Đó là nhận định của giới kinh doanh bất động sản (BĐS) Hà Nội khi nói về việc ban hành khung giá đất 2008 của chính quyền TP. Việc tăng giá tuy chỉ áp dụng đối với giá đất để đền bù giải phóng mặt bằng, để tính thuế khi mua bán chuyển nhượng... nhưng việc tăng khung giá đất khoảng 20% sẽ là "cớ" để mặt bằng giá đất tăng theo.
Giá càng cao thêm
Theo giới kinh doanh BĐS, giá đất ở Hà Nội thời gian vừa qua đã quá cao, nhiều vị trí như phố Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào... thị trường đang giao dịch với giá 120 - 150 triệu đồng/m2, và dù khung giá đất của Nhà nước năm 2007vẫn chưa sát được với giá thị trường, mới chỉ bằng khoảng 50% giá thực tế, nhưng đó vẫn là căn cứ để giới kinh doanh và người dân sử dụng làm "chỗ dựa" để thanh toán cho nhau.
Nay chính quyền TP. Hà Nội tăng giá đối với khung giá đất, sẽ là "cú hích" đẩy giá đất thị trường tăng lên mức giá mới. Và trong bối cảnh mặt bằng giá cả đang biến động tăng nhanh như hiện nay, việc khung giá đất được tăng thêm khoảng 20% sẽ thúc đẩy mặt bằng giá thị trường BĐS "ăn theo".
Nói về việc Nhà nước đang lựa chọn cách áp thuế luỹ tiến để đánh thuế những trường hợp có nhiều BĐS nhằm ngăn chặn nạn đầu cơ, giảm cơn sốt nhà đất hiện nay, các DN kinh doanh BĐS cho rằng đây chỉ là công cụ để "hạn chế sốt", chứ còn "gốc" để tăng giá nhà đất là bởi cung không đủ cầu.
Mặt khác, các DN xây dựng đang tăng giá nhà một cách "vô tội vạ" mới chính là nguyên nhân đẩy giá BĐS ở Hà Nội tăng cao một cách vô lý như hiện nay. Cụ thể, vào thời điểm cuối năm 2006 giá nhà chung cư được các chủ đầu tư bán ra với mức từ 5 - 6 triệu đồng/m2, nên giá thị trường giao dịch ở mức 8 - 9 triệu đồng/m2 là phù hợp.
Nay các chủ đầu tư lấy lý do giá sắt thép, ximăng tăng cao; xăng dầu "đội giá"; nhân công tăng vv... nên đưa mức giá "gốc" lên tới 17 - 18 triệuđồng/m2 ngay từ khi chuẩn bị khởi công. Điều này đã làm cho giá thị trường giao dịch khi các chung cư xây xong phải "đội" lên tới... 20 triệu đồng/m2.
Chủ đầu tư đẩy giá?
Theo giới chuyên môn về xây dựng, đơn giá xây dựng nhà chung cư trong bối cảnh vật liệu xây dựng tăng giá như hiện nay thì tối đa giá thành cũng chỉ lên tới 5 - 6 triệu đồng/m2. Còn nếu theo định mức quy định của Nhà nước thì mức giá thành còn khiêm tốn hơn nhiều.
Việc áp đặt khung giá nhà chung cư lên một "mặt bằng" mới của các chủ đầu tư đã làm cho giá nhà chung cư ở Hà Nội lên tới 26 - 28 triệu đồng/m2. Trong cơn sốt giá nhà đất vừa qua, không nên đổ tất cả lỗi cho giới kinh doanh BĐS.
Theo các DN kinh doanh BĐS, để hạ được cơn "sốt" nhà đất thì lúc này chỉ cần tăng nguồn cung BĐS cho thị trường. Để làm được điều này, Nhà nước cần áp dụng biện pháp quy họach đến đâu bắt buộc các DN xây dựng phải xây nhà đến đó ngay từ lúc duyệt và giao dự án, tăng nhanh nguồn nhà căn hộ cung cấp cho thị trường.
Thực tế tại địa bàn Hà Nội, tốc độ thi công các dự án nhà ở đang diễn ra rất chậm. Mỗi toà nhà kể từ lúc khởi công cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng thường xuyên bị kéo dài mà chưa có những chế tài ấn định thời gian xây dựng để đưa dự án vào sử dụng.
Điều này đã làm cho Hà Nội đang có rất nhiều dự án xây dựng dở dang, thi công chậm chạp, thậm chí nhiều dự án, nhiều khu đô thị đã được phê duyệt, nhiều dự án đã đấu giá đất xong từ nhiều năm đến nay vẫn còn là bãi đất trống trong lúc thị trường đang thiếu căn hộ cung cấp cho người sử dụng.
Ngay tại khu Trung Hoà Nhân Chính, TP.Hà Nội thực hiện chương trình "đổi đất lấy hạ tầng" đã giao cho một DN xây 4 khu nhà chung cư. Chủ dự án sau khi động thổ "lấy ngày" đã ngừng thi công để đi tìm đối tác do DN không có năng lực tài chính.
Trường hợp này cũng đang xảy ra đối với dự án đô thị tại khu An Khánh... Với kiểu cách đầu tư xây nhà như thế, nguồn cung nhà cho thị trường sẽ còn thiếu, và sẽ làm cho cơn sốt nhà, sốt BĐS ở Hà Nội còn kéo dài.
Theo Lao Động