Anh Đạo một người chuyên môi giới mua bán nhà, đất trong các dự án nhà ở tại thành phố Hà Đông (Hà Tây) cho biết, từ hơn tháng nay anh phải chuyển hướng sang môi giới nhà, đất trong khu dân cư. "Kể từ sau Tết Nguyên đán, nhà, đất tại các dự án rất ế ẩm, các dự án lớn nằm trong thành phố như Văn Khê, Xa La, Văn Phú... đều giảm giá từ 1-1,5 triệu đồng/m2 và hầu như không có giao dịch. Trong khi đó giá đất trong khu dân cư lại được đẩy tăng lên từng ngày" - anh Đạo kể.
Theo anh Đạo, do tâm lý "sắp về thủ đô" nên người dân ở đây có xu hướng đẩy giá nhà đất lên mức rất cao. Đất thổ cư có sổ đỏ trong làng Đỏ (Hà Đông) được đẩy lên khoảng17 triệu đồng/m2, tức gấp đôi so với trước Tết.
Theo nhiều trung tâm môi giới nhà đất, người tìm mua đất trong các khu vực dân cư thực tế có tăng so với trước Tết nhưng giao dịch thành công không nhiều do giá đất ở mức quá cao. Anh Thành, một nhà đầu tư BĐS phân tích: "Nhà đất dự án khu vực này đang ế ẩm, một phần bởi tác động của chính sách thắt chặt cho vay bất động sản của các tổ chức tín dụng nhưng cơ bản là hiện tại, Hà Tây đang có nhiều dự án đang và sẽ triển khai nên trong tương lai, hàng hóa sẽ rất nhiều".
Nhưng theo anh này, giá đất trong các khu dân cư bị đẩy lên cao là do "suy nghĩ tự phát" của người dân mà không có căn cứ. "Nếu đất trong khu dân cư, dù có sổ đỏ nhưng giá "quát" tới 17 triệu đồng/m2, tôi sẽ chọn mua đất trong dự án khu đô thị mới Văn Phú hiện cũng chỉ ở mức 17-18 triệu đồng/m2 vì hạ tầng và quy hoạch kiến trúc tốt hơn gấp nhiều lần", anh này nói.
Tại xã Tiền Phong (Mê Linh, Vĩnh Phúc) tình trạng cũng tương tự. Giá chuyển nhượng suất mua nền tại các dự án nhà ở như Hà Phong hay khu đô thị mới Cienco 5 cũng vẫn đứng ở mức 5,4-6 triệu đồng/m2, tức chỉ chênh lệch khoảng 1-1,5 triệu đồng/m2 so với giá gốc. Nhưng giá đất trong khu dân cư cũng được đẩy lên khá cao. Đất trong làng, giáp dự án nhà ở Hà Phong đang được rao với giá 15 triệu đồng/m2, tăng 5 triệu đồng/m2 so với trước Tết.
Hiện tại có nhiều nhà đầu tư tìm mua đất nông nghiệp ở các khu vực xa hơn thành phố Hà Đông như Quốc Oai, Hoài Đức hay Xuân Mai với mức giá từ 50-60 triệu đồng/sào nhằm "đón đầu quy hoạch" mà không biết họ nghe thông tin quy hoạch ở đâu.
Một lãnh đạo Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) - đơn vị chủ trì soạn thảo đề án quy hoạch vùng thủ đô và mở rộng Hà Nội khẳng định, đây là loại mua bán rất mạo hiểm và thiệt thòi sẽ thuộc về người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. "Hiện nay, Bộ Xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng đang tiến hành rà soát lại toàn bộ quy hoạch và các dự án thuộc khu vực đề xuất mở rộng thủ đô, không loại trừ khả năng sẽ có nhiều quy hoạch phải điều chỉnh theo ý đồ mới", ông này nói.
Cũng theo thông tin từ Bộ Xây dựng, nếu việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội được chấp thuận, sẽ có nhiều việc phải làm nhưng đầu tiên là phải thuê tư vấn nước ngoài rà soát và điều chỉnh lại quy hoạch toàn vùng. Đây có lẽ sẽ là thông tin không mấy vui vẻ nhưng hữu ích cho những người đang có ý định mua bán nhà đất tại khu vực này.