Top

Gỡ khó cho nhà ở xã hội

Cập nhật 07/06/2015 08:24

Hà Nội đã có 58 dự án nhà ở xã hội được triển khai, trong đó đã hoàn thiện 8.000 căn hộ trên tổng số 20.000 căn hộ của toàn quốc (40%).


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, trong năm nay, Hà Nội sẽ hoàn thành 10.315 căn hộ với quy mô gần 800.000m2 sàn xây dựng và dự kiến trong giai đoạn từ 2016 - 2020 sẽ hoàn thiện, đưa vào sử dụng trên 3,65 triệu mét vuông sàn xây dựng, tương đương với 15.804 căn hộ.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh trong một buổi tọa đàm mới đây: Hà Nội là một trong các địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai chương trình phát triển nhà ở, trong đó có phát triển nhà ở xã hội. Để triển khai việc này, TP đã ban hành quy định dành 20% quỹ đất trong các khu đô thị để phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, TP đã xem xét chuyển đổi 19 dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với tổng số 11.824 căn hộ. Năm 2015, Hà Nội dự kiến hoàn thiện hơn 200.000m2 phân khúc nhà ở này.

Chỉ qua những số liệu trên có thể thấy, TP đã có rất nhiều cố gắng đáp ứng nhu cầu nhà ở nói chung, trong đó có nhà ở của những người có thu nhập thấp. Trong thời kỳ phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nông thôn thường thiếu việc làm, thiếu lao động, trong khi sức ép tăng dân số từ đó dẫn đến sức ép về việc làm, nhà ở, an ninh đô thị, giao thông thường đè nặng lên các TP, và Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật đó. Theo thống kê, hiện, Hà Nội có gần 1 triệu người từ địa phương khác về tìm việc làm, trong đó có gần 40 vạn người có nhu cầu định cư. Trong số những người định cư, một nửa có nhu cầu về nhà ở. Hà Nội còn là một TP cổ, thiết kế ban đầu chỉ cho 25 vạn dân. Trải qua hơn một thế kỷ phát triển, nhiều quận nội thành cũ có dân số trên 35 vạn dân, mật độ dân số ở nhiều khu phố, nhất là khu phố cổ nhiều khi lên tới trên 2.000 người/km2. Với một mật độ dân số như thế, việc quản lý và nâng cao đời sống người dân đặc biệt khó khăn.

Để giải quyết điều này, Thành ủy và UBND TP đã có nhiều biện pháp như trên đã trình bày, nhưng chủ trương xây dựng, phân phối loại nhà xã hội này vẫn gặp nhiều vướng mắc, khiến tiến độ không được như ý, ở cả hai phía DN tham gia các dự án nhà xã hội và phía người mua, tức là những người sử dụng nhà. Về phía người thật sự có nhu cầu, gặp nhiều khó khăn về thủ tục nhưng quy lại, là không có đủ tiền. Với những người đủ tiền thì mua để đầu cơ chứ không có nhu cầu ở. Vì vậy, nhất là thời gian qua, cũng như thị trường bất động sản nói chung, nhà ở xã hội rơi vào cành "mỡ treo mèo nhịn đói", nghĩa là vốn bị chôn, tồn kho tăng trong khi người muốn mua không mua được.

Về phía DN, nỗi ám ảnh nhất là thiếu vốn, vốn chậm. Tuy có được nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước, nhưng do thủ tục rườm rà và nhiều trở ngại khác, nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc không dễ vượt qua. Chẳng hạn, hiện có 19 ngân hàng được phép cho vay với lãi suất 5%/năm gói tín dụng 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở nhưng việc triển khai rất chậm. Nguyên nhân do chưa đủ thủ tục, không bảo đảm hoàn vốn cho ngân hàng. Đến đây, mọi việc trở nên rất khó. Vì nguồn vốn ưu đãi nên càng cần thủ tục chặt chẽ, minh bạch, đúng đối tượng. Không thể vì đẩy nhanh tiến độ nhà ở xã hội để tăng nợ xấu, thất thoát tiền của Nhà nước được. Thêm nữa, để có lãi, nhiều DN đã hạ chất lượng xây dựng, bớt xén các công trình phụ trợ khiến dư luận kêu ca nhiều về chất lượng loại nhà này.

Trước nhu cầu ngày càng tăng của người dân, tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh hơn nữa nhà ở xã hội là điều cần thiết. Nhưng tháo gỡ như thế nào? Theo ý kiến của không ít người, phải hạ giá thành bằng cách công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, giảm bớt tiến tới triệt tiêu tham nhũng, bớt xén và cải tiến thiết kế theo hướng đành chấp nhận một giai đoạn quá độ về nhà ở để túi tiền người sử dụng và giá nhà gần nhau hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT