Chiều qua (10/12), HĐND TP Hà Nội đã thảo luận thông qua Nghị quyết về quản lý quỹ nhà biệt thự.
HĐND TP Hà Nội đã quyết nghị 173 biệt thự nằm trong danh mục biệt thự không bán gồm: 42 biệt thự nằm trong khu trung tâm chính trị Ba Đình (giới hạn bởi phía Nam đường Hoàng Hoa Thám, phố Phan Đình Phùng, phía Tây đường Hoàng Diệu, phía Bắc phố Trần Phú, đường Hùng Vương, đường Lê Hồng Phong, phía Bắc phố Đội Cấn, phía Đông phố Ngọc Hà và đường dốc Ngọc Hà); 123 biệt thự thành phố quản lý làm trụ sở cơ quan; 4 biệt thự có giá trị kiến trúc và 4 biệt thự có diện tích khuôn viên đất lớn hơn 500 m2 chưa bán và diện tích đất bình quân cho mỗi hộ đang sử dụng lớn hơn hạn mức đất ở của khu vực.
Tuy nhiên, về số biệt thự mà UBND TP đề nghị bán (634 biệt thự) theo tờ trình, qua thảo luận, HĐND TP đã quyết nghị chỉ bán 588 biệt thự (trong đó có 52 biệt thự chưa bán; 536 biệt thự đã bán một phần), còn lại 46 biệt thự cho doanh nghiệp thuê mà đề án đề nghị bán theo giá thị trường thì thành phố tiếp tục giữ lại và quản lý.
Về phương án bảo tồn, tôn tạo đối với những biệt thự nằm ở cấp độ 1,2 (có giá trị về kiến trúc, bảo tồn nguyên trạng và những biệt thự nằm trên các tuyến phố chính: Phan Đình Phùng, Quán Thánh, Điện Biên Phủ, Hoàng Diệu, đường Thanh Niên, Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong, Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Tràng Thi, Lê Phụng Hiểu, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Bà Triệu, Hàng Bài, Nguyễn Du) phải giữ nguyên tính chất sử dụng, các chỉ tiêu về quy hoạch kiến trúc đối với công trình. Trường hợp có sự thay đổi cần phải thông qua Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố và phải được UBND TP chấp thuận.
Nguyên tắc việc cải tạo, xây dựng lại các biệt thự là phải được sự thỏa thuận của Sở Quy hoạch Kiến trúc trước khi cấp phép xây dựng. Quá trình lập và thực hiện dự án cải tạo, phá dỡ biệt thự được thực hiện theo quy định đã có.
Đề án cũng nghiêm cấm việc cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian ; Phân chia, chuyển đổi phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung trái quy định; thay đổi kết cấu, thiết kế của phần sở hữu riêng hoặc phần sử dụng riêng (xây tường ngăn lên mặt sàn, di chuyển các trang thiết bị và hệ thống kỹ thuật gắn với phần sở hữu chung, đục phá căn hộ…).
Các đối tượng được xét mua nhà biệt thự là người đang ở thuê nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước.
Về xác định thời điểm xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp mua nhà biệt thự được căn cứ vào hợp đồng mua nhà để áp dụng giá bán nhà, đất. Cụ thể:
Nếu đã ký hợp đồng mua nhà trước ngày 25/9/2007 thì phần diện tích đất ở trong định mức thu 40% theo quy định của Nghị định số 61/CP; giá đất quy định tại Quyết định số 3519/QĐ-UB ngày 12/09/1997 và Quyết định số 35/2004/QĐ-UB ngày 12/3/2004; hệ số K thực hiện theo Quyết định số 119/2004/QĐ-UB ngày 4/8/2004. Đối với phần diện tích đất ở vượt định mức thu 100% theo quy định; hệ số K thực hiện theo Quyết định số 119/2004/QĐ-UB ngày 4/8/2004 của UBND TP.
Nếu ký hợp đồng mua nhà sau ngày 25/9/2007, phần diện tích đất ở trong định mức thực hiện theo giá đất quy định tại Quyết định số 3519/QĐ-UB ngày 12/09/1997 và Quyết định số 35/2004/QĐ-UB ngày 12/3/2004 của UBND TP (gồm cả những đường phố mới đặt tên tính tới thời điểm bán) nhân với hệ số K=2,7. Đối với phần diện tích đất ở vượt định mức: thực hiện mức thu 100% theo khung giá đất do UBND TP ban hành hàng năm tại thời điểm bán theo quy định của Luật Đất đai năm 2003.
>"Số phận" 552 nhà biệt thự ?
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị