Đối tượng áp dụng của Nghị định 121 chưa hợp lý, không nên đổ đồng các loại hình DN vào cùng một loại. Đây là ý kiến của ông Đào Xuân Bình – Chủ tịch Hiệp hội DN quận Lê Chân, TP Hải Phòng, khi trao đổi với DĐDN.
* Nhiều DN cho rằng đợt tăng giá thuê đất lần này quá cao (15 – 20 lần có chỗ đến 30 lần). Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này ?
Tôi cho rằng, việc tăng tiền thuê đất phải phân rõ đối tượng cụ thể. Cũng là mặt đường, nhưng DN sản xuất phải khác DN dịch vụ. Một ngân hàng chỉ có vài trăm mét đất tại trung tâm thành phố lại đi so sánh tương đương giá mỗi mét vuông đất với DN có vài ha xưởng sản xuất là bất hợp lý.
Rồi còn doanh thu và tỉ suất lợi nhuận, một DN doanh thu hàng ngàn tỉ, tiền thuê đất vài tỉ chắc không thành vấn đề. Tuy nhiên, một DN sản xuất doanh thu vài chục tỉ mà phải trả tiền thuê đất vài tỉ thì nguy to.
Mỗi chính sách ban hành đều có tính hợp lý của nó. Tuy nhiên, khi triển khai lại khác. Nếu chính sách đó không được hướng dẫn cụ thể dẫn dễ khiến nó phản tác dụng, kìm hãm sự phát triển. Đặc biệt, với những cán bộ công chức không có tinh thần xây dựng, sách nhiễu, hành DN thì chính sách đó đi tới bế tắc. DN sẵn sàng ủng hộ cơ quan ban hành chính sách nếu nó đem lại lợi ích cho cộng đồng DN, cho xã hội. Cho dù, lợi ích của DN có thể sẽ giảm đi.
* Như vậy, ông không phản đối Nghị định 121 vì đã tăng tiền thuê đất đối với DN ?
Nghị định 121 không sai ! Nhưng đối tượng áp dụng phải tính lại. Khi xét đến mỗi loại hình DN phải xét về khả năng kinh doanh và lợi nhuận của loại hình đó. Có loại DN sản xuất phải sử dụng nhiều đất, nhiều lao động nhưng lợi nhuận không bằng những loại hình làm dịch vụ. Ví dụ da giày và may mặc là những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động và diện tích đất. Nhưng lợi nhuận của hai ngành này không thể so sánh với ngân hàng hay bưu điện...
Do đó, để thực hiện thu tiền thuê đất ở mức hợp lý, Nhà nước cần rà soát, đánh giá lại xem mức độ lợi nhuận của từng ngành, nhóm ngành. Bên cạnh đó, những vấn đề về ưu tiên phát triển sản xuất hay sử dụng nhiều lao động cũng cần phải tính đến.
* Trong bối cảnh Chính phủ đang ưu tiên phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ miễn giảm thuế thu nhập DN và thu nhập cá nhân, việc tăng tiền thuê đất liệu có ảnh hưởng đến chính sách hỗ trợ này, thưa ông ?
Nếu tăng tiền thuê đất ở mức độ hợp lý thì không ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Chính sách thuế của Chính phủ dùng để điều tiết chung. Chính phủ có thể tăng thuế này, nhưng lại giãn, giảm, miễn thuế kia để tạo điều kiện phát triển kinh tế. Chắc chắn các chính sách thuế không có mục tiêu bóp chết loại hình DN nào cả. Tuy nhiên, ở mỗi thời kỳ, thời điểm cần có những chính sách điều tiết hợp lý.
Tiền thuê đất có thể là quá thấp thì Chính phủ phải tăng, nhưng tăng vào thời điểm nào là điều cần tính kỹ. Miễn, giảm, dãn thuế cũng vậy, phải tính thời điểm và đúng đối tượng. Những đối tượng cần được hỗ trợ nhiều nhất hiện nay là DNNVV, hỗ trợ về lãi suất, về đầu tư công nghệ. Nhìn chung thì đối tượng phải thật cụ thể và đúng mục tiêu.
Xin cảm ơn ông !
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN