Top

Giá nhà “tăng dần đều“: Xu hướng hút nhà đầu tư ngoại

Cập nhật 04/01/2016 15:30

Năm 2015, giá nhà ở tại Hà Nội, TP.HCM “tăng dần đều” với mức từ 8 - 10%, là xu hướng được ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài.

Hiệp hội Kinh doanh và Marketing Bất động sản Thái Lan (Resam) vừa ký thỏa thuận hợp tác với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) nhằm tìm kiếm cơ hội tại thị trường 93 triệu dân với sức tăng trưởng ổn định là Việt Nam.

Ông Somsak Chutisilp, Chủ tịch Resam cho biết, nhà đầu tư Thái Lan vốn rất quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam và đã có nhiều hoạt động đầu tư tại đây. Lễ ký kết này sẽ là bước ngoặt để nhà đầu tư Thái Lan tiếp cận thị trường sâu hơn và mở rộng quy mô đầu tư không chỉ bất động sản thương mại mà còn ở phân khúc nhà ở tại Việt Nam.

Cơ hội đầu tư bất động sản tại Việt Nam đang mở ra cho các nhà đầu tư ngoại, bất kể nhiều hay ít vốn

“Thị trường bất động sản Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, chính sách mở cửa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chắc chắn sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới. Ngoài ra, bất động sản Việt Nam đang còn nhiều khoảng trống tiềm năng”, ông Somsak Chutisilp cho biết.

TS. Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Vnrea cho rằng, sự kiện trên phản ánh mối quan tâm của giới đầu tư bất động sản Thái Lan đến thị trường bất động sản Việt Nam khi thị trường này tăng trưởng khá ổn định trong cả năm 2015. Theo ông Quang, trong khi các chủ đầu tư dự án trong nước đặt ra mục tiêu lợi nhuận bất động sản khoảng 20% thì mức tăng giá đều đặn 8 – 10% như hiện tại ở nhiều dự án nhà ở tại Việt Nam là xu hướng mà giới đầu tư nước ngoài đặc biệt quan tâm và ưa thích. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và hàng loạt hiệp định thương mại thế hệ mới đướợc ký kết cùng chính sách mở cửa tạo điều kiện cho nhà đầu tư cũng như người mua bất động sản nước ngoài, thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn.

Ông Clayton Wade, Phó chủ tịch Resam nhận xét, nếu đầu tư vào bất động sản Thái Lan thời điểm này sẽ cần nguồn vốn lớn để tiếp cận những dự án tốt. Trong khi đó, cơ hội tại Việt Nam đang mở ra cho tất cả nhà đầu tư, bất kể nhiều hay ít vốn. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đang gia tăng nhanh, điều này sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển trên tất cả các phân khúc, trong đó, bất động sản nhà ở thuộc tầm trung sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới”.

Theo TS. Trần Ngọc Quang, năm 2015, thị trường có tín hiệu hồi phục tích cực về thanh khoản và giá đã có xu hướng tăng nhẹ ở một số phân khúc. Lượng cung - cầu đều tăng, dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài chảy vào lĩnh vực bất động sản không ngừng gia tăng. Tính đến cuối quý IV/2015, lĩnh vực bất động sản đã thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 2,32 tỉ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư, đứng thứ 3 về thu hút vốn trong các lĩnh vực. Cụ thể, năm 2015, lĩnh vực bất động sản có 29 dự án FDI đầu tư mới và 10 lượt dự án tăng vốn. Nguồn vốn này cũng được dự báo sẽ có những bứt phá trong vài năm tới với sự xuất hiện của nhiều dự án tỉ đô. Niềm tin của người mua nhà vào thị trường đã dần được khôi phục và được củng cố bởi nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định.

“Trên thực tế, thay vì mang vốn từ bên ngoài vào, vốn cam kết đầu tư tại nhiều dự án phần lớn sẽ được huy động ngay tại Việt Nam. Như vậy, số vốn cam kết FDI vào bất động sản từ đầu năm tới nay là 2,32 tỉ USD, nhưng lượng vốn thực mà nhà đầu tư nước ngoài đem vào Việt Nam sẽ ít hơn nhiều”, ông Quang cho biết. Ngoài ra, chuyên gia này cũng lưu ý, với số lượng lớn những dự án được thực hiện, doanh thu của các doanh nghiệp địa ốc sẽ khó tăng vì nguồn cung nhiều, mức độ cạnh tranh trên thị trường quá cao.

DiaOcOnline.vn - Theo Một Thế Giới