Càng đến gần ngày 1-7 khi luật Kinh doanh BĐS chính thức có hiệu lực, thông tin giá nhà tăng mạnh đang làm nhiễu loạn thị trường, giới đầu cơ và môi giới đua nhau đồn thổi nhằm mục đích lôi kéo người mua nhà.
Giá vẫn tiếp tục tăng
Thị trường BĐS đang cho thấy khả năng đáp ứng tốt với chính sách khi càng gần ngày Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực, giá nhà càng nóng. Khảo sát thị trường BĐS Hà Nội cho thấy trong các đợt mở bán gần đây, các dự án chung cư đều có mức giá tăng nhẹ. Nếu như khoảng thời gian từ giữa năm 2013 đến năm 2014, mức giá trung bình 15-20 triệu đồng/m2 đối với căn hộ bình dân, nay đã tăng lên thêm 2-5 triệu đồng/m2 từ thị trường sơ cấp. Không chỉ vậy, hiện tượng giá chênh đang quay trở lại, thực tế này diễn ra tại nhiều dự án chung cư khu vực nội đô Hà Nội.
Có thể kể đến một vài dự án như Thăng Long Number One đã tăng 3 đợt khoảng 9% kể từ hồi đầu quý IV-2013. Hay căn hộ Hòa Bình Green City vừa được chủ đầu tư thông báo sẽ tăng 10%. Hoặc nhà liền kề ở dự án Xuân Phương đã tăng 3%; căn hộ Mandarin Garden (chưa VAT, bàn giao thô), trước đây chủ đầu tư chào bán từ 28 triệu đồng/m2, nay thị trường đang giao dịch giá khoảng 35 triệu đồng/m2…
Ở phân khúc căn hộ trung bình, các dự án như Kim Văn Kim Lũ, dự án 136 Hồ Tùng Mậu, Thăng Long Victory, CT2 Trung Văn... cũng đang được đẩy giá lên cao. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I-2015, tại một số dự án đang chuẩn bị hoàn thành, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được xây dựng hoàn chỉnh, giá chào bán tăng nhẹ khoảng 5-10% so với cùng kỳ 2014.
Theo lý giải của nhiều đơn vị môi giới, việc tăng giá này một phần do nhu cầu thực tế của thị trường, một phần do tâm lý đón đầu khi sau thời điểm 1-7, chủ đầu tư phải đóng thêm phí bảo lãnh của ngân hàng theo quy định. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sự đón đầu” này chỉ là cái cớ để giới đầu cơ và môi giới lợi dụng, tạo tâm lý bất ổn cho người mua nhà, khiến họ hoang mang phải chấp nhận xuống tiền sớm trước khi luật có hiệu lực. Bên cạnh đó, việc tăng giá bán một phần do giới đầu cơ quay trở lại và các chủ đầu tư dựa vào đơn vị thứ cấp để tạo sóng cho thị trường.
Cảnh giác với những chiêu trò
Ông Nguyễn Hoàng Nam, đại diện một sàn BĐS trên đường Lê Văn Lương, thừa nhận việc đánh đòn tâm lý này lên người mua nhà đang diễn ra khá phổ biến trên thị trường, đặc biệt ở thị trường thứ cấp. Điều này một phần bởi BĐS trong tay đầu cơ hiện nay khá nhiều.
Bên cạnh đó, tâm lý của không ít người mua nhà mong muốn không phải chịu thêm một vài mức phí sau thời điểm 1-7 nên sẽ mua sớm. Đặc biệt, sự chưa rõ ràng trong việc quy định về phí bảo lãnh đang khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người dân lo ngại nguồn cung sẽ khan hiếm khi nhiều doanh nghiệp chưa tìm được ngân hàng bảo lãnh, giá sẽ cao thêm, đây là mảnh đất vàng cho giới đầu cơ trục lợi.
Nhận xét về thực tế này, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc sàn Đất Xanh Miền Bắc, cho biết điều này đang xảy ra trên thị trường tuy nhiên chỉ là số ít. Điều quan trọng là người dân phải bình tĩnh, thông minh hơn, tránh sập bẫy, bởi chỉ các đơn vị làm ăn không chuyên nghiệp mới sử dụng cách làm này trong thời điểm hiện nay.
Cũng theo ông Quyết, kể cả các chủ đầu tư cũng không còn muốn làm ăn chụp giật, bởi nếu tình trạng đầu cơ ngày càng gia tăng những người có nhu cầu mua nhà thật sự sẽ quay lưng, dự án ra sau sẽ rất khó bán. GS. Đặng Hùng Võ cũng khẳng định, những người mua khôn ngoan nên đợi sau thời điểm 1-7, dù có thể tốn thêm một chút tiền nhưng đổi lại, họ sẽ có cơ hội để giữ được rất nhiều tiền, an toàn hơn, tránh những rủi ro về tiến độ khi mua nhà trên giấy như thường thấy.
Nhiều chung cư khu vực nội đô Hà Nội tăng giá nhẹ.
|