Từ khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc về việc điều chỉnh địa giời hành chính và dân số huyện Mê Linh về Hà Nội thì giá đất ở nhiều nơi của huyện này bị "quát" lên gấp cả chục lần. Dư luận trong tỉnh Vĩnh Phúc và trong huyện Mê Linh cho rằng “ Đây chỉ là giá đất ảo''.
Gần đây, nhiều "cò" đất (chuyên và không chuyên) đã nhanh chóng xuất hiện ở địa phương. Thậm chí có vài nơi còn "mọc" các loại hình dịch vụ, tu vấn như: "Trung tâm giao dịch bất động sản" hoặc "Phòng kinh doanh mua bán nhà đất"... Các loại hình tư vấn, dịch vụ này đã làm cho giá đất trong huyện Mê Linh tăng lên chóng mặt.
Chẳng hạn, ở đường trục chính chạy qua xã Tiền Phong từ nơi giáp giới với huyện Đông Anh (Hà Nội) chạy qua khu đô thị Hà Phong (còn đang giải phóng mặt bằng và bán đấu giá đất thương phẩm) có giá 15 - 16 triệu đồng/m2. Trục đường phố Yên - cũng xã Tiền Phong chạy song song với trục chính nói trên, cách nhau khoảng 1 km - giá 13-14 triệu đồng/m2. Các đường cắt ngang dọc trục chính xuyên xã có giá 7-8 triệu đồng/m2. Đất ruộng hai lúa một màu 1,2 triệu đồng/m2.
Một số "cò" khẳng định họ có đủ khả năng chuyển đất ruộng đang canh tác thành đất thổ cư miễn là có đủ tiền... Từ các thông tin này, đã không ít người đổ xô đi xem quy hoạch, tìm mua đất.
Câu chuyện giá đất hiện đang là cửa miệng của hầu hết các cuộc bàn luận có vài ba người trở lên, một đồn hai, hai đồn bốn, người ta thổi giá, thổi "cầu" lên cả chục lần trong khi "cầu" vẫn chỉ là ảo, chưa ai "cung" được cái giá như nói ở trên. Rục rịch đã có một số người, trong đó có cả viên chức, công chức, công nhân lao động đi rút tiền tiết kiệm để "đầu tư" vào mua đất.
Một số dự án vốn đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng nay các chủ đất, dù đã nhận tiền đền bù, vẫn nhất quyết không giao mặt bằng, găm đất lại để chờ nhận tiền theo "giá Hà Nội". Riêng khu công nghiệp Quang Minh, các nhà đầu tư đã đăng ký lấp đầy dự án nhưng thực tế vẫn còn trên 20 chủ dự án chưa giải phóng được mặt bằng. Khu mặt bằng để xây dựng trụ sở huyện Mê Linh tại xã Đại Thịnh cũng đang có nhiều đoạn "dậm chân tại chỗ" vì chờ... giá.
Tìm hiểu thực tế vùng giáp giới với huyện Mê Linh là huyện Đông Anh vốn đã "là Hà Nội" từ lâu mà giá đất cũng chỉ 7-8 triệu đ/m2 với các vị trí tương tự như bên Mê Linh hiện nay. Giá đất các khu đô thị Hà Phong, khu công nghiệp Quang Minh ở huyện Mê Linh được tỉnh định giá 2,5 - 3 triệu đồng/m2 từ khi mới hình thành, sau khi hoàn thành hạ tầng, người mua chuyển nhượng cho nhau ở những vị trí đẹp cũng chỉ 7-8 triệu đồng/m2 là cao nhất.
Còn chuyện mua đất canh tác giá rẻ để thêm tiền chuyển thành đất thổ cư thì lại càng... hoang đường. Năm 2004, khi huyện Mê Linh tách làm hai là thị xã Phúc Yên và huyện Mê Linh bây giờ đã có một số cán bộ "tranh thủ" để làm trái đã bị xử lý trước pháp luật, nay Vĩnh Phúc nói chung, huyện Mê Linh nói riêng, đã rút kinh nghiệm, đang quản lý rất chặt, ai mơ hồ chuyện này thì hối không kịp!
Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh là xã có mặt bằng dự kiến làm trụ sở huyện Mê Linh sắp tới - ông Bùi Quốc Tuấn - khẳng định: Từ khi có thông tin về việc Mê Linh sẽ chuyển về Hà Nội tới nay, xã ông mới chỉ làm thủ tục cho 1 trường hợp chuyển nhượng. Trường hợp này cũng đã đăng ký từ trước khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh điều chỉnh huyện Mê Linh.
Hiện giá đất trên địa bàn vẫn là 3-4 triệu/ m2 ở trục đường 23 là trục đường chính xuyên qua xã... Vì vậy, những ai định "đầu tư" vào đất đai ở Mê Linh lúc "ngô - khoai" chưa rõ này hãy thận trọng!