Dự án được thiết kế theo quy phạm thiết kế METRO GB50157 của Trung Quốc, trong đó quy định trắc dọc có độ dốc cho phép từ 0%o đến 30%o (30 phần ngàn).
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông được thiết kế uốn lượn để tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu - Ảnh: Nguyễn Khánh
|
Trong thông cáo phát đi chiều 3-7 về trắc dọc (hình chiếu của tuyến đã được duỗi thẳng ra lên mặt phẳng đứng - PV) dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT cho biết dự án này được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo hiệp định khung ký ngày 30-5-2008 giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc.
Dự án có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,05km (từ Cát Linh đi Hà Đông), khổ đường 1.435mm và 12 nhà ga trên cao (gồm 2 nhà ga trung chuyển Cát Linh và Đại học Quốc gia); khu depot (hạ tầng kỹ thuật) rộng 19,6ha tại Hà Đông; trang bị 13 đoàn tàu, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến, vận tốc bình quân khai thác 35 km/giờ.
Dự án được thiết kế theo quy phạm thiết kế METRO GB50157 của Trung Quốc, trong đó quy định trắc dọc có độ dốc cho phép từ 0%o đến 30%o. Đối với dự án này, trắc dọc thiết kế đi qua 12 nhà ga có độ dốc đường ra - vào ga tối đa 23%o phù hợp với quy trình và việc thiết kế đã xem xét các điểm khống chế như tại vị trí vượt đường đô thị, đường dân sinh cắt ngang qua tuyến như đường vành đai, các đường phố thuộc các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa, các cầu dân sinh để đảm bảo tĩnh không.
Như vậy, việc thiết kế cao độ tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã xem xét đầy đủ các yếu tố, thiết kế tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo an toàn sau khi đưa vào vận hành khai thác.
Theo Bộ GTVT, dự án có gói thầu tư vấn xem xét để cấp giấy chứng nhận an toàn hệ thống trước khi đưa vào khai thác phù hợp về chứng nhận an toàn hệ thống đường sắt đô thị quốc tế. Đủ điều kiện mới được phép đưa vào khai thác.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ