Những ánh mắt ánh lên niềm vui vì hạnh phúc và no ấm của đồng bào các dân tộc vùng cao Trường Sơn, hàng loạt “đô thị” lần lượt hình thành giữa đại ngàn xanh thẳm đang phát huy vai trò trung tâm kinh tế, thương mại thực sự của mình làm động lực phát triển cho cả một vùng rừng núi nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua. Nhờ có đường Hồ Chí Minh, phía Tây đất nước đang thật sự chuyển mình...
Đường đi qua, ánh sáng điện tràn về
Đường Hồ Chí Minh mở ra thông suốt, những dự án thủy điện công suất lớn “ăn theo” đang sừng sững mọc lên trên rẻo cao phía Tây Tổ quốc. Khơi mào cho hàng loạt các dự án thủy điện đó là Nhà máy thủy điện A Vương 1 (với tổng mức đầu tư ban đầu gần 4.000 tỷ đồng) nằm trên địa bàn huyện Đông Giang tỉnh Quảng Nam.Theo tính toán, nhà máy này khi phát điện sẽ cung cấp lượng điện năng hàng năm là 815 triệu KWh.
Ngoài A Vương, tại Đông Giang còn có Nhà máy thủy điện Zà Hung; ở huyện Phước Sơn còn có Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4…, tất cả đều đang được gấp rút thực hiện để có thể bắt đầu phát điện vào các năm 2009, 2010.
Theo một vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam, sau khi giai đoạn 1 Dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành, Quảng Nam có 55 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch dọc theo đường Hồ Chí Minh, trong đó 10 dự án thủy điện lớn với tổng công suất 1.094 MW, 45 dự án thủy điện vừa và nhỏ công suất gần 400 MW.
Cùng với sự hiện diện của đường Hồ Chí Minh, ánh sáng điện cũng đang nhanh chóng thay cho ánh sao trời rọi sáng cuộc sống mỗi ngày của bà con nơi miền núi cao phía Tây của Tổ quốc. Chẳng thế mà gặp bất kỳ người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Vân Kiều, Mã Liềng hay Khùa, Rẻ Triêng… sống dọc đường Hồ Chí Minh hôm nay, ai cũng nói: có đường Bác Hồ mình ưng cái bụng, sướng cái chân lắm. Nhờ có đường, mình biết đi xe máy, biết điện sáng, nghe tiếng người cả nước, biết làm lúa nước để có cái ăn…
Đi trên đường Trường Sơn, qua Đắk Tô - Tân Cảnh, vượt qua đèo Lò Xo mây mù bao phủ là đến thị trấn Khâm Đức của huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam - nơi được coi là “thành phố” trong rừng trù phú, tấp nập nhất trong số các “thành phố” dọc tuyến đường Hồ Chí Minh.
Từ ngày có đường Hồ Chí Minh, Phước Sơn như được chắp thêm cánh để phát triển. Giao thông thuận tiện đã khiến việc mua bán, làm ăn của người dân Phước Sơn dễ dàng hơn, hiệu quả hơn rất nhiều. Chỉ tính riêng năm 2007, thu nhập bình quân/năm đã đạt gần 3 triệu đồng/người, một con số chỉ có trong mơ trước đây của hầu hết người dân sống trên rẻo cao Trường Sơn.
Tỷ lệ hộ nghèo của Phước Sơn từ khi có “đường Bác Hồ” mỗi năm giảm được 5%-6%. Đường Bác Hồ đi qua đã kéo điện quốc gia về cho 9/11 xã, thị trấn của Phước Sơn. Cũng nhờ con đường hiện đại này mà 11/11 xã, thị trấn và 65/65 thôn của Phước Sơn đã phát triển được trường lớp, quy tụ được trên 6.000 học sinh theo học ở cả 3 cấp học phổ thông…
Từ “xương sống” là đường Hồ Chí Minh, đến nay, toàn Phước Sơn đã có mạng lưới giao thông xương cá gồm 58km đường huyện và trên 100km đường giao thông nông thôn. Đảng bộ, chính quyền và người dân Phước Sơn đang hướng đến một thị xã phố núi tận vùng cao phía Tây Trường Sơn hiện đại hơn, giàu có hơn nữa trong một tương lai không xa!
Hết cuộc sống lang thang
Ở xã Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình), từ ngày đường Hồ Chí Minh đi qua, người Mã Liềng ở bản Cáo, bản Kè nghe theo lời cán bộ đã rời rừng, bỏ cuộc sống du canh du cư bữa đói bữa no ra lập làng sống ổn định ở gần đường.
Mã Liềng tiếng dân tộc có nghĩa là “đại bàng”. Xa sự trầm lắng nơi vùng rừng thâm u, những người con đại bàng này tiếp xúc dần với lối sống mới. Họ dần học được cách trồng lúa nước, nuôi bò, nuôi trâu trong chuồng của người miền xuôi. Học cả cách giao thương, mua bán.
Ông Cao Dụng, trưởng bản Kè, nói: “Không có con đường, đồng bào mình gắn chặt với rừng rậm, với cái sông cái suối. Từ khi có con đường Bác Hồ, cả bản đã ra sống cách đường hai cây số. Cách đường chừng đó là tốt vì như thế nuôi trâu bò không chạy rông ra đường, gây khó khăn cho xe qua lại. Cách đường như thế cũng thuận tiện cho bà con làm cái ruộng, cái nương, trồng thêm lúa, thêm ngô. Từ ngày có đường, sắn, ngô của dân tộc mình được người dưới xuôi lên mua giá cao, bà con mua lại vải, muối… Cái bụng mình thích, dân bản thích…”.
Còn ông Cao Văn Viên, trưởng bản Cà Xen, xởi lởi: “Trước đây sống trong rừng rậm, cái chân giẫm nát bao cánh rừng, mòn mấy bờ đá suối mà nghèo lắm. Nay có đường Hồ Chí Minh, bà con hết lang thang, cán bộ miền xuôi có mặt thường xuyên ở bản hướng dẫn cách làm, cách sống, bà con mình giờ ăn ở sạch sẽ, có lúa ngô đầy nhà, mùa giáp hạt không lo đói bụng. Trẻ con của dân mình có đường đi học. Rứa là tộc người mình được đổi đời rồi đấy!”.
Mỗi ngày, những trẻ em người dân tộc
Cà Tu vùng Tây Quảng Nam này đều theo
đường Hồ Chí Minh đến trường, nuôi con
chữ và nhiều ước mơ tươi sáng. Ảnh: Hà Minh.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng