Theo chỉ đạo của Chính phủ, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ phải được thông xe vào tháng 10/2015, nhưng hiện dự án này đang gặp khó.
Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có chiều dài 105,5km, thuộc đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h, gồm 6 làn xe chính, 2 làn dừng khẩn cấp, 2 bên có hệ thống đường gom kết nối với các đường địa phương và 2 dải cây xanh.
Phạm vi giải phóng mặt bằng là 100m chiều rộng. Dự án đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Điểm đầu Dự án bắt đầu từ đường Vành đai III của TP Hà Nội, cách mố cầu Thanh Trì khoảng 1.025m; điểm cuối kết thúc tại đập Đình Vũ, quận Hải An, TP Hải Phòng. Dự án được triển khai thi công với 11 gói thầu xây lắp. Dự kiến đưa vào sử dụng toàn tuyến năm 2015.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang chậm tiến độ
|
Bước sang năm thứ 7 thực hiện, nhưng dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng do Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính VN (VIDIFI) triển khai vẫn bộn bề. Đến tháng 10/2015 phải thông xe toàn tuyến theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, tuy nhiên khối lượng công việc của dự án còn khá lớn.
7 năm vẫn gặp khó
Chiều 15/4, báo cáo trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Chủ tịch Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) Đào Văn Chiến cho hay: “Dù 11/11 gói thầu được triển khai thi công đồng loạt, nhưng đến nay vẫn còn hai điểm chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.
Đó là phần đất của Sư đoàn 361 - Bộ Quốc phòng thuộc địa phận Hà Nội và tỉnh Hải Dương mới bổ sung 800m2 đường cải tạo mương Tỉnh lộ 390 nên ảnh hưởng lớn đến thi công gói thầu EX 1A.
Bên cạnh đó nút giao QL39 đấu nối với cầu Lục Điền đến nay chưa triển khai thi công được. Tiến độ gói thầu EX-1B đang triển khai chậm, công tác thiết kế kỹ thuật, dự toán các gói thầu thuộc Dự án không hoàn thành mục tiêu tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.
Ngoài ra, ông Chiến rất băn khoăn về tình hình tài chính của 9/11 nhà thầu nước ngoài.
“Cũng vì lý do này, các nhà thầu chính không thuê được thầu phụ có chất lượng, hoặc nhà thầu phụ tự ý dừng thi công dẫn đến chậm tiến độ công trình. Trong đó phải kể tới các nhà thầu Hàn Quốc, tuy chưa làm xong phần việc của mình, nhưng đã tính “xí việc” một số dự án cao tốc khác ở miền Trung”, ông Chiến nói.
Sẽ cán đích thế nào?
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị tham gia Dự án đẩy nhanh tiến độ thi công
|
Để chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, tại buổi họp kiểm điểm tiến độ dự án chiều 15/4, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các cơ quan của Bộ GTVT phải sâu sát, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tuyến cao tốc này về đích đúng tiến độ.
Cụ thể, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) xây dựng dự thảo công điện, trình lãnh đạo Chính phủ về việc đề nghị các địa phương là Hà Nội và Hải Dương, Bộ Quốc phòng cần sớm bàn giao mặt bằng ở các điểm còn tồn tại trong tháng 4/2014.
UBND tỉnh Hưng Yên phải giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng khu vực nút giao QL39 cho Vidifi chậm nhất vào tháng 9/2014 để nhà thầu kịp thời triển khai thi công nút giao của Dự án.
Ngoài ra, Bộ trưởng còn yêu cầu Tổng công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông Vận tải (TEDI) cùng Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 và 4 (Cienco 1, Cienco 4) vào cuộc quyết liệt, chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư.
Cụ thể, Cienco1, Cienco4 sẽ tập trung lực lượng, huy động máy móc, thiết bị, nhân lực, tài chính quyết liệt triển khai thi công gói thầu EX-1B đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đồng thời các cuộc họp giao ban hàng tháng nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện Dự án sẽ do Thứ trưởng Trương Tấn Viên hoặc đích thân Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì.
Đối với các nhà thầu nước ngoài thi công chểnh mảng, Bộ trưởng sẽ trực tiếp làm việc để chấn chỉnh, nếu không chuyển biến sẽ xem xét không cho tham gia các dự án khác.
Cùng với đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng hoàn thành các thủ tục tài chính, kiểm soát chặt chẽ tiến độ từng hạng mục, đặc biệt lưu ý việc hoàn trả địa phương các công trình công cộng và dân sinh, thực hiện nghiêm túc thí nghiệm hiện trường...
Trước đó không lâu, đầu tháng này, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có văn bản yêu cầu các huyện có Dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua phải khẩn trương rà soát xử lý hết các vấn đề liên quan tới GPMB.
Ngoài ra, UBND các huyện trên cũng phải thường xuyên phối hợp với Vidifi chi nhánh tại Hải Dương để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Trường hợp vượt thẩm quyền phải lập tức báo cáo Thường trực Ban chỉ đạo GPMB tỉnh để tổng hợp tham mưu trình UBND tỉnh chỉ đạo, giải quyết kịp thời. UBND tỉnh giao UBND huyện Thanh Hà và UBND huyện Gia Lộc lập phương án bồi thường, hỗ trợ bổ sung, phải xong trước 15/4/2014.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News