Những bất cập trong dự án Luật Đất đai sửa đổi nếu không điều chỉnh mà đưa vào thực thi sẽ khó cải thiện được tình trạng khiếu kiện như thời gian qua
Ngày 28-12, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường) và Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự án Luật Đất đai sửa đổi tại UBND huyện Củ Chi.
Bán đất, phải hỏi cơ quan Nhà nước?
Theo ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, quy định tại điều 22 về việc Nhà nước được ưu tiên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua tài sản gắn liền với đất là không khả thi. “Quyền của người sử dụng đất sẽ bị hạn chế, giao dịch dân sự thông thường bị cản trở khi người bán phải hỏi ý kiến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có muốn mua khu đất của họ không, mua với giá nào? Lẽ ra, người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng cho bất kỳ đối tượng nào với giá thỏa thuận theo quy định của pháp luật” - ông Tấn nói.
Ông Nguyễn Văn Giàu trao đổi với chính quyền và người dân huyện Củ Chi về dự án Luật Đất đai sửa đổi |
UBND huyện Củ Chi cho rằng sử dụng khái niệm thu hồi đất là chưa hợp lý so với Hiếp pháp năm 1992. Hiến pháp quy định tài sản hợp pháp của cá nhân không bị quốc hữu hóa, Nhà nước chỉ có thể trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản trong trường hợp thật cần thiết. Do đó, dự án Luật Đất đai sửa đổi cần sửa đổi theo hướng đối với đất phục vụ quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia thì Nhà nước trưng dụng; đối với đất sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế thì trưng mua. Nhà nước chỉ thu hồi các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai.
Về bồi thường tái định cư, dự thảo quy định giá đất được tính căn cứ theo mục đích sử dụng. Theo ông Lê Minh Tấn, điều này sẽ xảy ra tình trạng không công bằng vì có thể cùng mục đích sử dụng giống nhau nhưng giá đất ở từng nơi khác nhau, phụ thuộc vào vị trí, hạ tầng, cảnh quan, môi trường… Do vậy, huyện đề nghị giá đất tính bồi thường phải căn cứ cả mục đích sử dụng và giá trị sinh lợi của khu đất bị thu hồi.
Phải dung hòa lợi ích 3 bên
Việc áp giá đất trong bồi thường, giải tỏa cũng cho thấy nhiều điểm rối. Đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi cho rằng giá đất thị trường ở khu dân cư trung bình tại địa phương là 2 triệu đồng/m2 nhưng thực tế, cộng cả các khoản bồi thường và hỗ trợ, người có đất bị giải tỏa chỉ nhận được khoảng 800.000 đồng/m2. Từ điểm này, UBND huyện Củ Chi đề nghị giao hẳn cho UBND cấp tỉnh, TP quy định giá đất cho địa phương mình, như vậy sẽ khả thi, nhanh và sát thực tế hơn.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, khẳng định các cơ quan tham mưu soạn thảo luật lắng nghe thấu đáo những phân tích, phản ánh của người dân và chính quyền các địa phương, để làm sao khi luật được ban hành, quyền lợi của cả Nhà nước, người dân và nhà đầu tư đều được hài hòa. “Tinh thần của Trung ương là giao đất lâu dài hơn, ổn định hơn cho cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng” - ông Giàu nói.
Giá đền bù chênh lệch vì… tên đường
Tại huyện Củ Chi, có 1.000/1.400 tuyến đường chưa đặt tên. Theo ông Lê Minh Tấn, có đến 50% vụ khiếu nại về đất đai xảy ra ở những con đường chưa đặt tên. Bởi, dù đều là đường nhựa nhưng đất ở đường không tên có mức giá bồi thường thấp hơn nhiều so với đất ở khu vực đường có tên. Trước thông tin này, ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, khẳng định việc áp giá bồi thường, đền bù phải dựa trên vị trí, tính toán mức độ tiện lợi của khu đất chứ không dựa vào việc đường đã đặt tên hay chưa.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động