Một tập đoàn đầu tư bất động sản của Hàn Quốc đang tính đến chuyện phải xếp xó dự án khu đô thị lớn tại quận 2 vì giữa chủ đầu tư, người dân và chính quyền địa phương không tìm được tiếng nói chung về giá đền bù.
Chuyện bắt đầu từ khi thành phố duyệt giá bồi thường cho khu đất hơn 70 ha tại phường An Phú, quận 2, để lấy mặt bằng làm dự án. Thế nhưng nhiều năm qua chính quyền địa phương không cách gì thu hồi được đất vì dân "chê" giá thấp. Chưa ra ngô ra khoai, tập đoàn bất động sản của Hàn Quốc xin quy hoạch khu đô thị tại đây và được thành phố cấp phép đầu tư từ năm 2004.
Để rút ngắn thời gian, chủ đầu tư đề nghị nâng giá đền bù lên thêm nhằm dễ bề thương lượng với dân. Song Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 2 kiên quyết không thay đổi khung giá đã duyệt, với lý do như vậy là đi ngược lại chỉ đạo của thành phố.
Kết quả là gần 4 năm, dự án này chưa hề tiến hành bồi thường được một ô đất nào. Khu đô thị được "treo" trên giấy chờ tháo gỡ. Trước tình hình đó, chủ đầu tư đang do dự tính đến việc lờ đi "miếng bánh" này vì e rằng sẽ phải chôn vốn quá lâu.
Trì trệ hơn, ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, TP HCM, đã ôm phương án tổng thể đền bù, hỗ trợ và tái định cư dự án khu đất 15,4502 ha tại phường Phú Hữu nhiều năm qua.
Theo phản ảnh của người dân, họ đã nhận thông báo thu hồi đất nông nghiệp hai lần với giá duyệt đền bù là 150.000 đồng một m2 nhưng không ai chấp thuận. Cuối tháng 6, hàng chục hộ dân đồng lòng ký đơn yêu cầu chính quyền địa phương hủy bỏ quy hoạch hoặc đề ra khung giá đền bù phù hợp hơn.
Dân phường Phú Hữu, quận 9, cho biết đến nay vẫn thấp thỏm không biết bao giờ thoát cảnh thu hồi đất bất ngờ như mấy năm qua. Hiện dân vẫn làm ăn sinh sống tại đây và chính quyền địa phương chưa hề giải tỏa được một vuông đất nào.
Thậm chí ngay cả dự án giao thông, mở đường, nâng cấp hạ tầng cũng gặp trục trặc khi đụng đến đất đai.
Ngày 22/7, tại buổi lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung các nghị định thi hành Luật Đất đai, lãnh đạo Sở Tài nguyên môi trường đã phản ảnh sự trì trệ của công tác giao, thu hồi đất, đền bù giải tỏa tại Sài Gòn với đoàn chuyên viên của Bộ ngành dọc.
Phó chánh thanh tra Sở Tài nguyên môi trường, ông Nguyễn Thiện Thành kể lại, trong một năm lập hồ sơ địa chính cho dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, phải mất 6 tháng mới cập nhật xong danh sách 3.500 hộ dân. Thế nhưng khi có quyết định thu hồi đất lại phải lập hồ sơ mới để đền bù. Trên thực tế, tất cả những dữ liệu thu thập chỉ đạt 60% độ chính xác về tên chủ hộ, địa chỉ, số thửa đất và diện tích.
Dự án khu dân cư Phước Lộc, Cần Giờ triển khai từ năm 2005 đến
nay vẫn chết cứng vì vướng đền bù và có dấu hiệu tiêu cực .
Theo VnExpress