Trong việc thu hồi đất, Nhà nước và doanh nghiệp có thiệt hại mà lợi cho dân thì cũng phải ráng làm.
Ngày 5-5, Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã lấy ý kiến của cán bộ chuyên môn các quận, huyện 22 tỉnh thành phía Nam về dự án Luật đất đai sửa đổi. Lần này, bộ khoanh vùng sửa những điều “nóng” nhất trong năm năm qua liên quan trực tiếp đến người dân.
Năm năm tăng giá đất một lần
Dự luật đưa ra phương án điều chỉnh giá đất sát với giá thị trường, định kỳ năm năm một lần. Trường hợp giá đất trên thị trường trong điều kiện bình thường của một số loại đất trong bảng giá đất có biến động thì phải xây dựng khung giá đất mới. Biến động này được định lượng ở mức: giá đất tăng 30% (so với giá tối đa) hoặc giảm từ 30% trở lên (so với giá tối thiểu), duy trì trong 12 tháng trong phạm vi nhiều tỉnh, thành.
Quan điểm này được nhiều đại biểu đồng tình. Bà Huỳnh Thị Thảo, phó chủ tịch UBND quận 5 (TP.HCM), ủng hộ việc qui định giá đất của Nhà nước sát giá thị trường. Các quận có thể căn cứ vào đó để tính giá bồi thường đất khi thu hồi, tránh việc phải định giá cho từng dự án một. Nếu điều chỉnh giá đất mỗi năm một lần sẽ gây lãng phí, hao tốn công sức. Bà Đỗ Thị Loan, tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định với việc điều chỉnh giá đất định kỳ năm năm, giá nhà sẽ không nhân cơ hội đó mà tăng thêm hằng năm theo bảng giá đất mới của các tỉnh, thành.
Tuy nhiên, ông Trần Thế Ngọc, thứ trưởng Bộ TN-MT, lại băn khoăn tăng giá đất năm năm một lần liệu có năng động và theo kịp giá thị trường hay không. Ông Nguyễn Thanh Vững,phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều (Cần Thơ), yêu cầu làm rõ tiêu chí xác định “giá thị trường” trong dự luật.
Đấu giá đất để chăm lo “hậu” tái định cư
Xoay quanh vấn đề tài chính về đất đai, chuyện sát sườn với người dân nhất là việc bồi thường đất. Nhiều đại biểu cho rằng không nên để doanh nghiệp tiếp tục thỏa thuận bồi thường đất với người dân. Tại quận Ninh Kiều (Cần Thơ) có tất cả 80 dự án nhưng chưa doanh nghiệp nào thỏa thuận được. Nhiều quận, huyện khác cũng đang gánh hậu quả nặng nề do người dân đòi giá bồi thường quá cao khiến doanh nghiệp không kham nổi. Cuối cùng Nhà nước vẫn phải đứng ra thu hồi đất.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cũng không ủng hộ việc để doanh nghiệp tự thỏa thuận thu hồi đất. Theo ông, như vậy sẽ xảy ra tình trạng nhiều mức giá bồi thường khác nhau giữa dự án kinh doanh và dự án công cộng. Việc hình thành tổng công ty bồi thường cũng chỉ mới giải quyết được vấn đề giá bồi thường chứ không chăm lo được đời sống tinh thần cho người dân sau giải tỏa.
Bộ quan tâm và ủng hộ mạnh việc phát triển hoàn thiện trung tâm phát triển quĩ đất của các địa phương. Nhà nước sẽ đấu giá quyền sử dụng đất “sạch” (tức đất đã giải tỏa xong) hoặc đất đã đầu tư hạ tầng. Phần chênh lệch từ đất do phát triển đô thị sẽ được Nhà nước dùng để đầu tư, chăm lo cho người dân tái định cư. “Nhà nước và doanh nghiệp có bị thiệt thòi nhưng người dân có lợi hơn thì cũng nên ráng làm” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhà đất bị qui hoạch “treo”: nên cho bán!
Đại biểu tỉnh Hậu Giang cho rằng người dân có đất trong khu qui hoạch “treo” quá thiệt thòi. Nhà nước qui hoạch thì bao giờ cũng định hướng 10-20 năm mới thực hiện dự án. Trong từng ấy năm, người dân có đất không được xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng... Một đại biểu tỉnh Lâm Đồng đưa ra ví dụ tréo ngoe: đất trong khu qui hoạch phải thu hồi thì không được chuyển nhượng, nếu người dân không có nhu cầu sử dụng thì phải giao lại cho Nhà nước. Tuy nhiên, Nhà nước lại không có tiền để thu hồi đất vì dự án chưa có kế hoạch thực hiện. Vị này kiến nghị nên cho phép người dân có đất trong qui hoạch xây dựng qui mô nhỏ, cho chuyển nhượng đất nhưng không cho tách thửa để giảm thiệt thòi cho dân.
Nhiều đại biểu kiến nghị Bộ TN-MT cho phép các tỉnh làm theo TP.HCM, tức cho phép xây dựng tạm trong khu qui hoạch “treo”. Đây là nội dung ngoài dự kiến nhưng Thứ trưởng Trần Thế Ngọc cũng hứa sẽ xem xét bổ sung vào dự án luật.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên, việc điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất phải tính đến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Phải tính tới kế hoạch cung cấp lương thực cho cả nước đến năm 2050. Hiện tại, cả nước còn 4,1 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có 3,7 triệu ha là đất trồng lúa nước.
Để giữ diện tích đất nông nghiệp, phải chỉ ra cụ thể thửa nào, vùng nào, xã nào có bao nhiêu mét vuông và vạch chỉ giới đỏ để kiên quyết giữ. Cần thiết phải hi sinh ngành công nghiệp và dịch vụ của một vùng để giữ đất trồng lương thực. Làm đúng nguyên tắc này sẽ có những tỉnh chuyên sản xuất nông nghiệp. Lúc đó, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ cho nông dân.
Ở Nhật, người dân bán một bao gạo 60kg là được hỗ trợ 150 USD, Nhà nước cũng phải tính đến việc hỗ trợ nông dân như vậy. Đây là vấn đề quan trọng, cần phải sửa ngay.