Top

Dự án cống hoá làm đường La Thành - Thái Hà - Láng:
6 năm làm xong 700 mét đường

Cập nhật 28/08/2007 10:00

Dự án cống hoá và làm đường trên mương đoạn La Thành - Thái Hà - Láng, được khởi công xây dựng từ năm 2002, với mục đích giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo thêm một tuyến đường mới giảm ùn tắc giao thông cho thành phố.

Tuy nhiên, qua 6 năm kể từ lúc khởi công xây dựng, đến nay tuyến đường mới chỉ hoàn thành được 700m, còn lại hầu hết là đang dang dở. Chính việc chậm trễ này đã khiến cho dự án có nguy cơ đổ bể không thể tiếp tục triển khai.

Thi công với tốc độ “rùa”

Trước việc tuyến mương Hoàng Cầu - Yên Lãng ngày càng bị thu hẹp vì bị người dân lấn chiếm,ngày 11/2/2001 UBND TP đã có Quyết định số 7601/QĐ - UB về việc cống hoá và làm đường trên mương đoạn La Thành - Thái Ha - Láng. Ngay đầu năm 2002, dự án đã được khởi công với mục đích làm đường vào nhà thi đấu Hoàng Cầu, phục vụ Sea Games 22 (năm 2003).

Đến năm 2003, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn đường dài 700m, từ đường La Thành đến phố Võ Văn Dũng. Trong các năm sau, dự án chỉ triển khai duy nhất một hạng mục là làm cống thoát nước từ đường Láng đến sông Tô Lịch, còn lại dự án đã nằm im cho đến nay.

Theo ban quản lý dự án GTĐT (Sở GTCC) - chủ đầu tư, dự án cống hoá và làm đường mương La Thành - Thái Hà - Láng có tổng mức đầu tư 184 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài 1890m, mặt cắt ngang đường rộng 50m, phần đường dành cho xe chạy là 21m gồm 6 làn xe, dài phân cách rộng 6,5 - 14m, với điểm đầu là đường La Thành và điểm cuối là đường Láng. Dự án có tổng diện tích đất phải thu hồi 84.927m2, thuộc các phường Ô Chợ Dừa, Thịnh Quang, Trung Liệt và Láng Hạ (quận Đống Đa) với 464 hộ dân và 12 cơ quan đơn vị nằm trong diện GPMB của dự án.

Đến nay, đã 6 năm trôi qua, kể từ lúc khởi công, dự án mới chỉ triển khai được có 700m/1890m đường là một trong những tuyến đường có tốc độ thi công chậm kỷ lục của Hà Nội. Vậy đâu là nguyên nhân?

Lại chuyện không có mặt bằng thi công

Tại Quyết định thu hồi đất số 2016/QĐ - UB ngày 28/5/2002, đã ghi rõ số hộ nằm trong diện GPMB và diện tích đất thu hồi. Các hộ dân nằm trong diện GPMB của dự án sẽ được bố trí tái định cư tại nhà 2A, 2B khu Trung Hoà - Nhân Chính, khu 4F Trung Yên và khu CT2, CT5 khu Mễ Trì Hạ. Nhưng đến nay, nghĩa là đã trải qua 6 năm, mà vẫn còn tới 272/476 phương án chưa GPMB xong.

Cụ thể, ngoài phường Ô Chợ Dừa đã GPMB xong còn lại phường Thịnh Quang mới chỉ phê duyệt xong 103/133 phương án, phường Láng Hạ là 43/91 phương án, cá biệt phường Trung Liệt vẫn còn tới 194 hộ chưa GPMB xong. Chính vì không có mặt bằng thi công, nên các đơn vị thi công mặc dù đã trúng thầu và chuẩn bị tập kết vật liệu và phương tiện để bắt tay vào việc nhưng lại phải chờ mặt bằng cho đến tận... ngày nay.

Tai hại hơn, qua 6 năm, nhiều gói thầu đến nay không thể triển khai được vì không có mặt bằng. Và đến khi có mặt bằng thì cũng không thể triển khai vì giá các loại vật tư, nhân công đã “leo thang” khiến “đội giá” công trình. Đây là nguyên nhân chính khiến các nhà thầu không còn muốn vào thi công tiếp, làm dự án đừng trước nguy cơ đổ vỡ.

Đầu thầu lại từ đầu

Đó là giải pháp mới được Sở GTCC đưa ra để tháo gỡ cho dự án trên, đồng thời tránh cho các đơn vị trúng thầu bị thiệt thòi quá lớn. Cụ thể, đối với những phần đã thi công xong gồm 700m đường và đoạn cống qua đường Láng đến sông Tô Lịch, sẽ quyết toán cho các đơn vị đã thi công xong. Đối với những đoạn còn lại, sở sẽ cùng liên ngành GTCC, Tài chính, Kho Bạc, Sở Kế hoạch & Đầu tư... trình thành phố cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư, từ đó điều chỉnh tổng dự toán.

Khi được thành phố phê duyệt, sẽ đấu thầu lại các gói thầu của dự án theo hướng ưu tiên các đơn vị trước đây đã trúng thầu (để bù đắp phần đã trúng thầu nhưng không có mặt bằng thi công), đồng thời kêu gọi các nhà thầu các nhà thầu khác có đủ năng lực vào thi công dự án.

Có thể nói việc dự án triển khai quá chậm dẫn đến phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư đã gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Thành phố. Nguyên nhân của tình trạng này là do chủ đầu tư là Ban quản lý dự án GTĐT thiếu tích cực, còn quận Đống Đa thì không làm tốt công tác GPMB, dẫn đến hậu quả này...

Theo Trần Quý - Kinh Tế & Đô Thị