Nhiều dự án đã triển khai bán hàng nhưng chủ đầu tư ngưng xây dựng hoặc xây dựng cầm chừng, khiến người mua dở khóc dở cười. Trong khi đó, một số dự án lớn đang "lên bờ xuống ruộng" từ vấn đề thủ tục và giải phóng mặt bằng (GPMB).
Dự án nằm chờ tiền
Dự án căn hộ chung cư Happy Plaza, nằm trên trục đường Trần Đại Nghĩa và Khuất Văn Bức (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), bao gồm 2 block nhà (22 tầng căn hộ thông thường + 1 tầng penthouse...), với các loại căn hộ từ 2 - 4 phòng ngủ.
Đây cũng là dự án căn hộ được chủ đầu tư (Doanh nghiệp tư nhân Thanh Tùng) định vị cao cấp tại khu vực phía tây TP.HCM, nhưng giá lại... bình dân, từ 12,5 triệu đồng/m2.
Happy Plaza xây được 4 tầng sau... 4 năm |
Dự án căn hộ Happy Plaza được giao đất năm 2008, triển khai bán hàng vào năm 2010 và dự kiến hoàn thành trong quý I/2012. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dự án chỉ mới xây dựng đến tầng 4. Theo tìm hiểu, tiến độ thực hiện dự án vẫn chưa có nhiều biến chuyển.
Được biết, trước đó, để gỡ nút thắt về vốn, Happy Plaza được Bộ Xây dựng đưa vào danh mục đợt 1/2012 những dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp yêu cầu Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thẩm định và tài trợ vốn.
Không riêng gì Happy Plaza, tây Sài Gòn cũng là khu vực có nhiều dự án chung cư đang trong thế "ngổn ngang". Điển hình như dự án trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ Bình Tây (hay còn gọi là chung cư cao cấp Richland Emerald, tại quận 6).
Dự án do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Nhật Quang làm chủ đầu tư (Thái Thịnh Capital độc quyền tiếp thị và kinh doanh dự án), được khởi công vào thời điểm thị trường bước vào giai đoạn khó khăn, năm 2008.
Theo dự kiến, chủ đầu tư sẽ bàn giao căn hộ cho khách hàng vào quý IV/2010. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, chủ đầu tư đã ba lần gia hạn thời điểm giao nhà với khách hàng, mốc cuối cùng là vào quý IV/2012 này.
Về cơ bản, dự án đã gần như hoàn tất phần thô nhưng liệu khách hàng có nhận được nhà đúng hẹn, vì theo tìm hiểu thực tế tại khu vực dự án, hiện vẫn có lực lượng bảo vệ "chăm sóc" công trình nhưng việc xây dựng đã tạm ngưng khá lâu.
Gần đây nhất, một dự án nằm trên tuyến đường "điểm" của quận Tân Phú, sau một thời gian thi công cầm chừng cũng đã "gán" hẳn cho phía ngân hàng để cấn qua khoản vay. Hay như trường hợp của dự án Kenton Residences (huyện Nhà Bè), dù được đầu tư khá bài bản theo dạng căn hộ cao cấp nhưng thị trường xuống đã kéo theo hàng loạt hệ lụy.
Ông Vũ Anh Tâm, Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, cho biết, bốn năm qua, thị trường BĐS "có vấn đề”, đến thời điểm này, công ty không có khả năng tạo ra việc làm hay đóng góp cho nền kinh tế. "Không có thị trường nào phát triển được dưới lãi suất cao và tính thanh khoản quá thấp", ông Tâm nói.
Đất nằm chờ giấy phép
Trong thời điểm khó khăn này, giới BĐS hay ví von "làm nhỏ chết nhỏ, làm to càng chết lớn". Bởi các dự án lớn đòi hỏi nhiều thời gian để hoàn tất thủ tục, cần nhiều vốn cho việc chuẩn bị dự án (GPMB, đầu tư hạ tầng cơ bản...).
Thực tế cho thấy, trong bốn năm qua, đã có bao nhiêu dự án lớn với giá trị đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD có sản phẩm ra mắt thị trường? Dự án khu đô thị đại học quốc tế của Berjaya Việt Nam (Malaysia) vẫn đang chờ phương án đền bù được phê duyệt, khu đô thị lấn biển Saigon Sunbay vẫn đang tìm kiếm thêm đối tác có tiềm lực tài chính...
Tại buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng với UBND tỉnh Đồng Nai vào tuần qua, đoàn khảo sát của Bộ đã đi kiểm tra tiến độ một số dự án lớn như: khu đô thị HUD (Nhơn Trạch), dự án khu kinh tế mở Long Hưng 1.174ha (Biên Hòa, Đồng Nai).
Theo chia sẻ từ phía chủ đầu tư là Liên hiệp HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (Dona Co.op), dự án này được quy hoạch vào năm 2007, với gần 10.000 hộ dân nằm trong quy hoạch. Do đó, suốt 5 năm qua, công tác đền bù, giải tỏa khá khó khăn.
Dự án chỉ mới khởi động hơn một tháng nay, chủ đầu tư đang thi công trục đường chính và xây dựng 500/3.000 căn hộ tái định cư, dự kiến sẽ giao nhà vào cuối năm 2012. Đến nay, dự án đã GPMB trên 90% diện tích đất, giải ngân 75 triệu USD.
Ông Bùi Thanh Trúc, Tổng giám đốc Dona Co.op, đặt vấn đề, việc chậm trễ dự án thường được cho là do chủ đầu tư nhưng nếu dự án chậm do đền bù chậm, thu hồi chậm thì biết đỗ lỗi do ai?
Thêm nữa, về phía nhà đầu tư cũng e ngại để thực hiện chủ trương "có đất sạch đến đâu, triển khai xây dựng đến đó”. Bởi vì, đôi khi phần "đất sạch" này chỉ khoảng 3 - 5ha nhưng ở dạng "da beo", không có trục đường nối, như thế, doanh nghiệp đâu thể làm hạ tầng đồng bộ cho dự án hoặc nếu làm ra sản phẩm, liệu khách hàng có dám mua?
Nói về tình trạng "đứng yên" của các dự án lớn, ông Vũ Xuân Thiện, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, cho biết, không riêng gì những dự án lớn tại TP.HCM hay Đồng Nai, mà ngay như Bình Dương, dự án Khu đô thị Chánh Mỹ, với quy mô trên 300ha dù đã hoàn tất khâu GPMB và san lấp nhưng hiện nay vẫn để "nằm đó” do không tìm được đầu ra và chủ đầu tư đang đối diện với khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, Phó cục trưởng Vũ Xuân Thiện nhấn mạnh, đối với những dự án có quy mô lớn, nếu địa phương vẫn giữ chủ trương cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai thì phải có những chính sách hỗ trợ cụ thể (về thời gian hoàn tất thủ tục, tiếp cận vốn...) để đẩy nhanh tiến độ.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn