Top

Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều công trình "choáng váng"

Cập nhật 25/01/2008 10:00

Giá sắt, thép, gạch... tăng cao khiến nhiều công trình xây dựng cơ bản phải tạm ngừng thi công hoặc thi công cầm chừng.

Tác động của "cơn bão" giá vật tư ảnh hưởng tới các công trình xây dựng còn có nguyên nhân thủ tục, bàn giao mặt bằng chậm... Và điều quan trọng là việc giải quyết không thể chỉ là buộc nhà thầu cam kết. Có thể lấy thực tế ở ĐBSCL làm ví dụ.

Dở khóc dở cười!

Tại huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) hiện đã có 4 công trình xây dựng trường học tạm ngừng thi công. Chủ thầu công trình Trường Tiểu học Trường Xuân 1 cho biết: Chỉ với nhu cầu 1 triệu viên gạch, giá tăng từ 350 đồng lên 800 đồng/viên, chênh lệch tăng thêm đã trên 300 triệu đồng; chưa kể sắt. Theo BGĐ Xí nghiệp xây dựng (Cty xây lắp vật liệu xây dựng Đồng Tháp) - đơn vị có 5 công trình phải hoàn thành năm 2007 - giá thép ở thời điểm trúng thầu là 10.200 đồng/kg đã vọt lên trên 14.500 đồng (hiện đã vọt lên trên 15.000 đồng/kg)...

Ở Hậu Giang, theo Cty CP xây dựng công trình giao thông Hậu Giang - đơn vị đang thi công 5 gói thầu đường Tây Sông Hậu - tới thời điểm cuối năm 2007 khối lượng công trình còn, nhưng tiền theo giá trúng thầu đã hết.

Giá bêtông nhựa từ 430.000 đồng/tấn (thời điểm đấu thầu) vọt lên 780.000 đồng/tấn. Với nhu cầu khoảng 7.000 tấn, nếu thi công hết khối lượng, chênh lệch do giá tăng lên tới 2 tỉ đồng.Tình trạng trên khiến nhiều công trình xây dựng cơ bản ở ĐBSCL nếu không tạm ngừng thi công thì thi công cầm chừng.

Chậm chạp cũng là "thủ phạm"

Ngoài các công trình tiến hành thi công rồi giá vật tư tăng vọt, thực tế, một số công trình từ khi dự toán tới lúc công bố trúng thầu hoặc giao mặt bằng thời gian kéo dài, khiến nhà thầu phải đối mặt với "cơn bão" giá hoặc không thể khởi công.

Công trình Trường Tiểu học Trường Xuân 1 (Tháp Mười, Đồng Tháp) lẽ ra giao mặt bằng vào tháng 2.2007, nhưng mãi tới tháng 12 mới giao. Khoảng cách thời gian đó giá vật tư đã biến động mạnh theo hướng tăng vọt.

Ở TP.Cần Thơ, dự toán đầu tư xây dựng 2 cây cầu trên tuyến đường Nguyễn Văn Cừ được duyệt vào đầu năm 2007 (giá sắt thép 7.900 đồng/kg), tới tháng 6 cùng năm dự án mới được tổ chức đấu thầu, 2 tháng sau mới có kết quả đấu thầu (lúc này giá sắt thép trên thị trường đã vọt lên 11.000 - 12.000 đồng/kg). Vì vậy, từ thời điểm dự toán đầu tư tới thời điểm công bố kết quả đấu thầu, chỉ riêng phần trượt giá sắt thép đã lên tới bạc tỉ.

Ở Hậu Giang, ngành GTVT có 24 công trình đang thi công. Các đơn vị thi công đều có tờ trình gửi chủ đầu tư, xin ý kiến về việc điều chỉnh giá vật tư mới tiếp tục thi công nổi. Việc xin điều chỉnh giá đang diễn ra phổ biến đối với các công trình đang thi công ở ĐBSCL.

Theo Lao Động