Giao thông tại Bình Định được đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: Hoàng Thuỷ |
UBND tỉnh Bình Định đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, xem đây là lợi thế trong thu hút đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của UBND tỉnh Bình Định, tính đến nay, Bình Định là một trong những địa phương thuộc Vùng duyên hải miền Trung được đầu tư khá đồng bộ về hệ thống hạ tầng.
Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Đình cho biết, hệ thống giao thông tỉnh đã và đang được đầu tư khá hoàn thiện, nhất là đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không và đường biển.
Trong đó, đường bộ có 3 tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1D, Quốc lộ 19), đường sắt Bắc - Nam đi qua Bình Định dài 148 km gồm 11 ga. Riêng Sân bay Phù Cát đã được nâng cấp có đường băng rộng 45 m, dài 3.050 m, nhà ga công suất 300 hành khách/giờ, hàng tuần có 7 chuyến bay từ Quy Nhơn đi TP.HCM và ngược lại 5 chuyến bay từ Quy Nhơn đi Hà Nội và ngược lại.
Đặc biệt, đường biển tại Bình Định được đầu tư khá mạnh, với Cảng Quy Nhơn công suất 4 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu 30.000 DWT, là cảng biển tổng hợp quốc gia phục vụ phát triển kinh tế khu vực, đầu mối chuyển tiếp hàng hóa quá cảnh cho một số tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia; Cảng Thị Nại là cảng tổng hợp địa phương có thể tiếp nhận tàu từ 10.000 DWT trở lên, đến năm 2010 lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 0,8-1 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Cảng nước sâu Nhơn Hội sắp xây dựng với diện tích 165 ha, phục vụ tàu bách hóa và container 30.000 DWT, lượng hàng hóa thông qua 3 triệu tấn/năm, trong đó có khu cảng tổng hợp diện tịch 119 ha, tiếp nhận tàu 30.000 DWT, công suất hàng hóa thông qua hàng năm đạt 9,5 triệu tấn.
Cảng Tam Quan đã được quy hoạch xây dựng tại thôn Trường Xuân Tây (huyện Hoài Nhơn) có khả năng tiếp nhận tàu 3.000 DWT, công suất cảng khoảng 0,96 triệu tấn/năm. Cảng Đống Đa quy hoạch xây dựng cải tạo nâng cấp cảng cũ, có thể tiếp nhận tàu 10.000 DWT, công suất cảng đạt 0,8 triệu tấn/năm...
Theo ông Thiện, Bình Định đã đầu tư khá mạnh trong chuẩn bị mặt bằng phục vụ các dự án đầu tư, trong đó các khu công nghiệp được chú trọng.
Theo quy hoạch (gồm các khu công nghiệp được bổ sung) được duyệt đến năm 2020, tỉnh có 8 KCN (chưa tính các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội), với tổng diện tích quy hoạch là 1.761 ha (bao gồm KCN Phú Tài, Long Mỹ, Nhơn Hòa, Hòa Hội, Cát Trinh, Cát Khánh, Bồng Sơn, Bình Nghi).
Hiện tại, Khu công nghiệp Phú Tài (341 ha) đã lấp đầy 95%, thu hút được 108 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 89 dự án đi vào hoạt động và 19 dự án đang triển khai xây dựng. Khu công nghiệp Long Mỹ (210 ha) lấp đầy 81%, với 22 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 10 dự án đi vào hoạt động và 12 dự án đang triển khai xây dựng. Các khu công nghiệp còn lại đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng, các dự án đăng ký đầu tư vào đây còn khá khiếm tốn, với tỷ lệ dưới 20%.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp. Đến nay, có 24/30 cụm công nghiệp đã và đang triển khai, trong đó có 7 doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng 8 CCN. 8/30 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có 9 cụm công nghiệp tỷ lệ lấp đầy diện tích trên 90%, thu hút 436 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ và vừa đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.230 tỷ đồng, vốn thực hiện 843 tỷ đồng.
Cũng theo ông Thiện, Bình Định có vị trí quan trọng trong giao lưu khu vực và quốc tế, có nhiều tiềm năng và điều kiện để trở thành cực phát triển phía Nam của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đặc biệt, sau khi Khu kinh tế Nhơn Hội hình thành, Bình Định sẽ thu hút được sự quan tâm chú ý của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước và sẽ trở thành đầu mối trung chuyển và trung tâm giao thương, kinh tế của vùng Mê Kông lớn và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Để thật sự vươn mình, Bình Định cần có sự quy hoạch và đầu tư của Trung ương, trong đó tập trung vào những dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam qua Bình Định đoạn Đà Nẵng - Quy Nhơn, đường cao tốc Quy Nhơn - Gia Lai và đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 19 từ Cảng Quy Nhơn đi Gia Lai.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần đầu tư nâng cấp, mở rộng sân bay Phù Cát để tiếp nhận máy bay cỡ lớn, với công suất 0,2 triệu lượt hành khách và 2.000 tấn hàng vào năm 2010. Bình Định cũng sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng đường ven biển DT-639 đạt tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng phục vụ phát triển kinh tế vùng ven biển và du lịch. Cảng Quy Nhơn sẽ được nâng công suất đạt và ổn định 4 triệu tấn thông quan/năm, cảng Thị Nại đạt 0,8-1 triệu tấn thông quan...
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư