Ngày 23-3, tại hội trường xã Bình Thanh Tây (huyện Bình Sơn), gần 500 người đại diện cho 346 hộ dân bị thu hồi đất xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã có cuộc đối thoại với tổ công tác liên ngành do ông Lê Quang Thích - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi - làm tổ trưởng.
Đây là những hộ dân xã Bình Trị bị thu hồi đất từ năm 1997 để xây dựng nhà máy lọc dầu. Những người dân này đã được bố trí tái định cư vào xã Bình Thanh Tây nhưng mười mấy năm qua họ liên tục khiếu nại, khiếu kiện lên nhiều ngành, nhiều cấp về việc thu hồi đất, giải tỏa, đền bù, hỗ trợ tái định cư...
Vấn đề xuyên suốt cuộc đối thoại được người dân phản ánh gay gắt nhất là việc thu hồi đất. Ông Trần Quang Lợi (60 tuổi), đại diện người dân, nói: “Dân tự nguyện giao đất cho việc chung nhưng không được đền bù như hứa hẹn”. Ông dẫn ra một số nội dung mà người dân Bình Trị muốn được giải quyết: giá đền bù đất thổ cư bị thu hồi quá thấp, không đủ tiền xây nhà; 346 hộ dân Bình Trị sống trên đất tái định cư, không có tiền nộp thuế để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hiện sống như “ở đợ”; đề nghị đền bù hoặc hỗ trợ diện tích đất ngoài hạn mức 300m2/hộ cũng như đền bù diện tích đất lâm nghiệp, đất trồng phi lao... Theo ông Lợi, người dân vào khu tái định cư không có đất ruộng để làm, trong khi đó hàng chục hecta đất Nhà nước thu hồi lại chưa sử dụng, hiện đang bị một số người chiếm để trồng rau màu và đã làm sổ đỏ.
Ông Nguyễn Tài bức xúc phản ánh: cán bộ xã xác định diện tích đất trên giấy nộp thuế để đền bù cho dân khiến quyền lợi người dân bị tổn hại nghiêm trọng. Ông kể gia đình đã bỏ công sức tái tạo đất ven biển hàng nghìn mét vuông để trồng phi lao nhưng khi bị thu hồi chỉ được đền bù 1.500 đồng/cây, còn đất thì thu trắng. Ông Tài còn nói: “Nhà nước nói có chính sách hỗ trợ 500.000 đồng/hộ để di dời, giải tỏa nhưng người dân không nhận được. Hỏi xã, xã trả lời đã chi cho công tác di dời, vận chuyển”. Nhiều người dân cũng phản ánh đất đai do họ khai hoang trước tháng 10-1993, ở ổn định, không tranh chấp nhưng không được đền bù...
Ông Võ Tiến Dũng - phó ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất - thừa nhận việc khiếu nại của người dân là không sai nhưng rất phức tạp vì cơ chế, chính sách về đất đai, thu hồi, đền bù, giải tỏa hơn mười năm qua thay đổi liên tục. Ông Đỗ Minh Hải - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng đối với 60ha đất ngoài hàng rào nhà máy phải xác định lại đất sử dụng trước năm 1993, nếu có xác nhận của UBND xã sẽ được đền bù. Thế nhưng chủ tịch UBND xã Bình Trị Phạm Ngọc Thọ tỏ ra băn khoăn: “Công việc này quả là rất phức tạp, cả bộ máy xã làm suốt năm cũng không hết”. Ông Thọ kiến nghị tỉnh cấp kinh phí giúp xã thực hiện công tác khảo sát thực địa, điều tra...
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ