Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân đã tuyên bố: Trong năm 2008, TPHCM chuẩn bị 4 “sẵn sàng” để thu hút các nhà đầu tư (NĐT).
Đó là sẵn sàng về danh mục các dự án đầu tư; sẵn sàng bộ máy và cải cách hành chính để giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư; sẵn sàng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ; sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Dường như mọi cơ hội đang được mở ra trước mắt cho các NĐT, vấn đề còn lại chính là sự lựa chọn và năng lực nắm bắt cơ hội của NĐT.
Dự án 5.440 tỷ đồng
Vào những ngày cuối năm 2007, các NĐT đặc biệt quan tâm đến sự kiện một chủ đầu tư được trao giấy phép đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bằng việc được đổi quyền khai thác 5 lô đất của TP. Đó là Tập đoàn GS Engineering & Construction Corpration (Hàn Quốc) được trao giấy phép đầu tư dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, tuyến vành đai ngoài kéo dài 13,65 km, với 6 -12 làn xe.
Dự án này đi qua 4 quận là Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức, sẽ phải làm 4 cây cầu và xây dựng 4 nút giao thông. Dự kiến tổng vốn đầu tư dự án này 5.440 tỷ đồng, tương đương 340 triệu USD. Đây là dự án đầu tư - chuyển giao (B-T), ngay sau khi xây dựng xong sẽ được giao cho thành phố quản lý và khai thác.
Đổi lại, TP đã giao 5 lô đất cho DN này khai thác kinh doanh BĐS để thu hồi vốn đầu tư đã xây dựng tuyến đường và tạo lợi nhuận, đồng thời TP cam kết sẽ đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để giao đất cho chủ đầu tư này vào năm 2008.
Được biết, 5 lô đất này bao gồm 2 khu đất ở phường Thảo Điền (quận 2) có tổng diện tích gần 20.000 m2; lô đất trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10) có diện tích trên 17.000 m2; lô đất đất tại phường Long Bình (quận 9) có diện tích trên 900.000 m2; và một khu đất nằm trong khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) có diện tích 40.222 m2. Đây là dự án đổi đất lấy hạ tầng đầu tiên được trao cho NĐT nước ngoài.
Triển vọng mới
Cuộc chơi đang được phân chia thị phần; trong đó các NĐT lớn, đặc biệt là NĐT nước ngoài, đang chiếm ưu thế. Trong dự án trên, với số vốn yêu cầu 5.440 tỷ đồng cùng với kỹ thuật làm đường và xây cầu, rõ ràng quá sức của các DN trong nước. Số vốn này vượt khả năng vay nợ của DN trong nước do quy mô các DN trong nước còn quá nhỏ. Chính vì vậy, trong các dự án thu hút FDI năm 2007, lượng vốn đầu tư vào BĐS rất lớn, chủ yếu là của các DN lớn, tập trung vào các dự án khu phức hợp, khu cao tầng.
Sự kiện một NĐT thực hiện phương thức đổi đất lấy hạ tầng đang mở ra triển vọng mới thu hút đầu tư phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật của TPHCM. Trong năm 2008, mục tiêu của TP sẽ là thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án hạ tầng giao thông đô thị, thoát nước, chống ngập, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Phương thức đổi đất lấy hạ tầng sẽ thu hút nhiều NĐT có nguồn lực tài chính, có kinh nghiệm trong xây dựng và quản lý dự án, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay là nhanh chóng có được hệ thống hạ tầng kỹ thuật hiện đại để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Hiện nay TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng cho phép mở hai tuyến đường trên cao liên thông để giải quyết giao thông trực tuyến có các trục lưu lượng giao thông lớn. Tuyến 1, từ nút giao Cộng Hòa, chạy dọc theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh. Tuyến 2, từ điểm giao với tuyến 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài theo đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân-đường số 3 - đường vành đai 2.
Hiện nay, có nhiều NĐT đang tìm hiểu để dành quyền khai thác các dự án này, đây được xem là cơ hội rất lớn đang mở ra cho việc thu hút đầu tư phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật của TPHCM.
Theo Sài Gòn Giải Phóng