Trước chính sách siết tín dụng của Chính phủ đối với lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm giải pháp đối phó, tìm lối đi riêng.
Nhiều dự án bất động sản trùm mền vì thiếu vốn - SƠN SƠN
Nhiều giải pháp "thích nghi"
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2019, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ mức 45% xuống còn 40%. Trong những năm tới, cơ quan này tiếp tục đưa ra hai phương án để giảm dần xuống mức 30%. Để tiếp tục phát triển và không quá phụ thuộc vào vốn vay từ ngân hàng, các doanh nghiệp đã có những giải pháp để “thích nghi”.
Mới đây Tập đoàn Tuần Châu đã “bắt tay” với người khổng lồ trong ngành xây dựng Việt Nam là Coteccons để triển khai tổ hợp khách sạn, biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tại đảo Tuần Châu, tỉnh Quảng Ninh, trên diện tích khoảng 4,8 ha. Được biết tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 5.000 tỉ đồng, trong đó tập đoàn Tuần Châu góp đất, Coteccons tập trung xây dựng phát triển dự án. Theo một lãnh đạo của Tập đoàn Tuần Châu, sự hợp tác này sẽ giúp tận dụng thế mạnh của hai bên và không quá phụ thuộc vào ngồn vốn vay từ ngân hàng vốn đang ngày càng đắt đỏ và eo hẹp.
Tương tự, trước tình hình nguồn vốn trong nước khó khăn, ông Nguyễn Trung Tín, Tổng giám đốc Công ty An Gia Investment, cho biết đội ngũ của ông đã phải ra nước ngoài gọi vốn từ các quỹ đầu tư đến từ Anh, Nhật Bản. Ngoài ra, khi phát triển một dự án, Công ty An Gia Investment cũng kêu gọi các đối tác trong nước vào cùng làm. “Hiện các dự án của An Gia có sự tham gia của quỹ đầu tư nước ngoài và Coteccons theo thế kiềng 3 chân. An Gia mạnh về phát triển dự án, bán hàng; Tập đoàn Coteccons mạnh về xây dựng và quỹ đầu tư mạnh về vốn. Chính điều này đã giúp các dự án của An Gia gần như không sử dụng nhiều vốn vay ngân hàng và an toàn ngay cả những lúc nguồn tài chính từ ngân hàng khó khăn nhất. Hiện công ty đã triển khai được 6 dự án theo mô hình này”, ông Tín cho hay.
Trong bản báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB, cho biết từ đầu năm đến nay có trên 60.000 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Nhóm ngành bất động sản, xây dựng, hạ tầng đứng thứ hai về lượng trái phiếu phát hành với 16.230 tỉ đồng, chiếm 27%. Điển hình như Công ty cổ phần phát triển bất động sản Phát Đạt đã phát hành 850 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp thông qua 3 lần với mức lãi suất lần lượt là 14,5%, 12% và 10,5%. Số tiền này được Công ty Phát Đạt dùng vào việc phát triển các dự án mới ở Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Dương… Tập đoàn Novaland cũng gọi vốn bằng cách phát hành 400 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp, qua 2 đợt, mỗi đợt 200 tỉ đồng, với lãi suất đều xấp xỉ 11%.
Tín dụng khó khăn khiến nhiều dự án phá sản, không thể triển khai - SƠN SƠN
Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà Khang Điền, Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO… cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp để gọi vốn phát triển các dự án bất động sản.
Ủng hộ chủ trương siết tín dụng
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), tán thành chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về lộ trình hạn chế tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như chứng khoán, bất động sản, tín dụng tiêu dùng. Việc thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, tuy trước mắt có gây áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp, nhưng là áp lực lành mạnh, có tính tích cực, buộc các chủ đầu tư dự án bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế dần một phần nguồn vốn tín dụng, nhằm phát triển thị trường bất động sản bền vững. Để thích nghi với lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản, ông Châu đã đưa ra 8 khuyến nghị đối với doanh nghiệp. Trước hết là tăng vốn chủ sở hữu, chuyển đổi thành công ty cổ phần đủ điều kiện niêm yết để có thể huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và nước ngoài (tìm kiếm nguồn vốn FDI)...
Hiện trái phiếu doanh nghiệp đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư do lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm cùng kỳ hạn, nhất là đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu có uy tín thương hiệu và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Tuy nhiên, để phát hành trái phiếu thành công, ông Châu lưu ý doanh nghiệp bất động sản phải đảm bảo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn huy động từ trái phiếu, thực hiện hiệu quả phương án sản xuất, kinh doanh và dự án đầu tư để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp và nhà đầu tư trái phiếu.
“Doanh nghiệp cần nhanh chóng tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước hùng mạnh. Doanh nghiệp có thể xem xét chuyển đổi thành công ty cổ phần để có điều kiện gọi vốn ngoài xã hội và định hướng trở thành công ty đại chúng để đủ điều kiện niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Các doanh nghiệp cần nỗ lực để hội đủ điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án, phát hành cổ phiếu và cao nhất là niêm yết trên sàn chứng khoán ở nước ngoài. Đồng thời lựa chọn đối tác là các doanh nghiệp, quỹ đầu tư nước ngoài có uy tín và năng lực tài chính để hợp tác đầu tư, kinh doanh, phát triển dự án, nhằm tăng cường nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp”, ông Châu đưa ra các khuyến nghị.
DiaOcOnline.vn – Theo Thanh niên