Top

Doanh nghiệp bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Cập nhật 01/11/2014 10:04

Đó là nhận định của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tại hội nghị sơ kết tình hình hoạt động 9 tháng đầu năm và phương hướng hoạt động những tháng cuối năm 2014 và năm 2015, tổ chức ngày 31-10.

Thị trường BĐS TP.HCM vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh internet

Thị trường đang ấm dần lên

Theo HoREA, trong 9 tháng 2014, thị trường bất động sản (BĐS) TP.HCM đã có dấu hiệu hồi phục với số lượng giao dịch tăng, phân khúc thị trường căn hộ có quy mô vừa và nhỏ (dưới 70m2) và có giá bán hợp lí (dưới 15 triệu đồng/m2) vẫn là phân khúc thị trường chủ đạo và phát triển ổn định, bền vững trong nhiều năm qua cũng như hiện nay.

Trong phân khúc thị trường BĐS cao cấp, những dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích của các chủ đầu tư uy tín vẫn được thị trường đón nhận.

Phân khúc thị trường cho thuê cũng đang có dấu hiệu hồi phục với giá cả đang ở mức rất phù hợp với khả năng tài chính của người thuê.

Đặc biệt việc hoàn thành tuyến đường vành đai Phạm Văn Đồng, đường cao tốc Cát Lái – Long Thành (giai đoạn 1) đưa vào sử dụng và việc khẩn trương triển khai tuyến Metro số 1 đã tại thêm động lực thúc đẩy sự hồi phục của thị trường BĐS TP.HCM.

Nhận định về thị trường BĐS trong 3 cuối năm 2014, ông Lê Hoàng Châu cho biết, mặc dù thị trường BĐS vẫn ở trong tình trạng rất khó khăn. Tuy nhiên những dấu hiệu hồi phục vẫn đang tiếp tục diễn biến từng chút một và phân khúc thị trường căn hộ có quy mô vừa và nhỏ vẫn tiếp tục phát triển ổn định, cùng với đó nguồn nhà ở xã hội được cung ứng ra thị trường sẽ góp phần giải quyết dần nhu cầu nhà ở. Phân khúc thị trường BĐS cao cấp cũng tiếp tục tạo ra các điểm sáng tích cực đối với các dự án có vị trí tốt, nhiều tiện ích, giá cả và phương thức thanh toán hợp lí của các chủ đầu tư có uy tín và thương hiệu.

DN vẫn khó khăn

Mặc dù vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhìn một cách tổng quát, thị trường BĐS vẫn còn nằm trong tình trạng bị đình đốn và rất khó khăn, ảnh hưởng đến tất cả các chủ thể có liên quan. Trước hết là đối với doanh nghiệp (DN) phát triển đầu tư, kinh doanh BĐS; sau đó là các ngân hàng và tổ chức tín dụng, người tiêu dùng là người thu nhập thấp đô thị; làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước; tác động tiêu cực đến các ngành kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội, ngoại thất và thị trường lao động.

Đặc biệt, ngoài tình hình khó khăn chung của thị trường, theo phản ánh của các DN BĐS, các DN vẫn đang gặp phải không ít khó khăn.

Về lãi suất, hiện nay các DN BĐS vẫn phải trả lãi vay ở mức 13%/năm và thị trường BĐS vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào ngoài gói 30.000 tỉ đồng. Trong khi đó gói 30.000 tỉ đồng lại giải ngân rất chậm, cho đến nay mới chỉ đạt khoảng 10% và hiện tại cũng mới chỉ có 2 DN BĐS tại TP.HCM tiếp cận được nguồn tín dụng từ gói hỗ trợ này.

Bên cạnh khó  khăn về lãi suất, thủ tục hành chính vẫn đè nặng lên các DN mặc dù đã có nhiều cải thiện hơn trước, tình trạng bị “ngâm” hồ sơ vẫn tiếp diễn và mặc dù đã có một số thủ tục được giảm đi nhưng lại có thêm nhiều thủ tục phát sinh làm khó DN trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư.

Lý giải nguyên nhân của tình trạng này, ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Phát triển nhà Thủ Đức cho rằng, mặc dù Quốc hội đang tập trung sửa đổi nhiều Luật, tuy nhiên, tư duy pháp luật còn chưa thông thoáng, không liên thông giữa các bộ, ngành và các Luật với nhau. “Hiện nay cái khó nhất của DN BĐS vẫn là thể chế, dường như quy định của nhà nước ngày càng phức tạp và khó khăn. Còn có rất nhiều quy định đang làm khó DN như các quy định về kí quỹ , bảo lãnh...", ông Hiếu nói.

Ngoài ra, theo các DN BĐS, mặc dù Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn chưa tháo gỡ được nút thắt về tiền sử dụng đất cho DN BĐS. Tiền sử dụng đất vẫn đang là gánh nặng, là ẩn số đối với DN và người tiêu dùng phải gánh chịu chi phí về tiền sử dụng đất khi mua nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Hải Quan/strong>