Thị trường bất động sản vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhưng vẫn hé mở những cơ hội cho các nhà đầu tư có năng lực thực sự.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế vĩ mô và thị trường bất động sản” tổ chức cuối tuần qua tại TP. HCM.
Những khó khăn của thị trường
GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dù giá bất động sản giảm mạnh thời gian qua, nhưng nó vẫn quá sức so với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam. Thị trường bất động sản đang tồn tại nghịch lý là thừa cả cung và cầu. Trong khi nhu cầu nhà ở của người dân rất lớn, thì lượng tồn kho lại ở mức cao, chủ yếu ở phân khúc căn hộ cao cấp. Thêm nữa, nợ xấu đang là câu chuyện khó khăn nhất của thị trường lúc này, nhưng nợ xấu trong bất động sản không phải chỉ từ nguồn tín dụng ngân hàng, mà có đến khoảng 50% từ nguồn tiền góp vốn của khách hàng, đây là hệ lụy của một thời nhiều doanh nghiệp bán nhà trên giấy.
Theo đánh giá của CBRE, giá bất động sản TP.HCM đã chạm đáy - Ảnh: Lê Toàn
|
Trong khi đó, ông Huỳnh Anh Dũng, Giảng viên cao cấp Hội đồng chuyên gia bất động sản Hoa Kỳ cho rằng, tính đến thời điểm hiện nay, sự khó khăn của thị trường bất động sản đã diễn ra hơn 5 năm, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, đây là điều bất thường so với chu kỳ phát triển kinh tế. Thị trường bất động sản Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn cơ bản.
Thứ nhất là vấn đề nợ xấu. Nợ xấu tăng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng, hoặc tiếp cận được nhưng lãi suất cao. Thứ hai, lòng tin của khách hàng với thị trường đang bị cạn kiệt. Hàng loạt đơn thư của khách hàng khiếu nại chủ đầu tư bàn giao nhà chậm phổ biến gần đây, khiến thị trường càng mất niềm tin. Thứ ba là sự mất cân đối cung - cầu sản phẩm và cuối cùng là hàng tồn kho cao, khiến dòng tài chính trên thị trường không lưu chuyển được.
Cơ hội nào cho thị trường?
Ông Adam Bury, Phó giám đốc Phòng Đầu tư Công ty CBRE cho rằng, nhìn một cách tổng thể, thị trường bất động sản đang ở giai đoạn đáy của sự khó khăn và bắt đầu hé mở con đường phục hồi. Nền kinh tế Việt Nam đang dịch chuyển đúng hướng, kênh đầu tư vàng và tiền gửi tiết kiệm đang kém hấp dẫn, nên đây là cơ hội cho thị trường bất động sản. Thêm vào đó, các chính sách của Chính phủ đang được điều chỉnh theo hướng có lợi cho thị trường như giảm một số loại thuế, thành lập Công ty Quản lý tài sản (VAMC), triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng...
“Mặc dù người mua vẫn còn chần chừ, nhưng theo thống kê của CBRE, giá bất động sản TP. HCM đã chạm đáy. Tôi thật sự ngạc nhiên và thấy tiếc cho những ai có nhu cầu thực về nhà ở, nhưng không mua nhà vào thời điểm này”, ông Adam nhấn mạnh.
Còn theo ông Huỳnh Anh Dũng, dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng thị trường cũng đang có những cơ hội nhất định. Tuy nhiên, cơ hội chỉ có chỗ đứng cho các nhà đầu tư có năng lực, uy tín thực sự. Ông Dũng cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp muốn bám trụ với bất động sản thì phải có nguồn vốn dồi dào và hiểu rõ về thị trường để đưa ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu.
Lấy kinh nghiệm từ thị trường bất động sản của Mỹ, ông Dũng cho rằng, vai trò của nhà môi giới trong giao dịch bất động sản rất quan trọng, là sứ giả PR thương hiệu của doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin cho thị trường. Song ở Việt Nam, hiện chưa có quy định nào đề cập rõ ràng đến quyền lợi và trách nhiệm của nhà môi giới, cũng như quản lý hoạt động của những người làm nghề môi giới. Điều này dẫn đến mất lòng tin khách hàng và lừa đảo, tranh chấp thường xảy ra.
Cũng theo ông Dũng, câu chuyện hàng tồn kho đang là vấn nạn của thị trường bất động sản. Để giải quyết vấn nạn này, chính sách đối với thị trường bất động sản trong thời gian tới cần cởi mở hơn về vốn vay nước ngoài, đặc biệt là chính sách thu hút dòng vốn kiều bào.
“Hiện cộng động người Việt đang sinh sống tại nước ngoài khoảng 5 triệu người, trải rộng trên 100 quốc gia khắp thế giới. Trong đó, có khoảng 38% là thuộc thế hệ F2, có độ tuổi từ 48 - 65. Đây là độ tuổi mà các kiều bào đã định cư lâu năm, ổn định về tài chính, con cái đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Với độ tuổi này, một số lượng không nhỏ kiều bào đều mong muốn được “lá rụng về cội”. Chính đối tượng này sẽ giải quyết rất hiệu quả câu chuyện hàng tồn kho của thị trường hiện nay”, ông Dũng góp ý.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán