Tín dụng tăng trưởng thấp, nợ xấu còn cao khiến nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản nhằm phân tán rủi ro
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, bất động sản (BĐS) đang là lĩnh vực tiềm năng để ngân hàng (NH) đẩy tín dụng. Nếu khơi thông được dòng tín dụng vào phân khúc này sẽ có rất tiềm năng, nhất là cho vay đầu tư xây dựng căn hộ, công trình dở dang, xây nhà trong nội thành.
Mời khách bằng lãi suất
NH TMCP Ngoại thương (Vietcombank) vừa triển khai gói tín dụng 3.000 tỉ đồng dành cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay mua nhà đất, xây, sửa nhà… với lãi suất chỉ từ 7,99%/năm. Thời gian ưu đãi lãi suất thấp là 6 tháng đối với khoản vay dưới 24 tháng.
NH TMCP Á Châu (ACB) cũng có chương trình cho vay mua “ngôi nhà đầu tiên” dành cho khách hàng cá nhân có thu nhập từ 10 triệu đồng với lãi suất 8,9%/năm trong năm đầu tiên. Để cạnh tranh, ACB đưa nhiều tiện ích cho khách hàng như không tính phí trả nợ trước hạn, phí dịch vụ, phí quản lý tài sản và phí duyệt khoản vay.
NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank) còn đưa ra mức lãi suất “sốc” 5%/năm trong 6 tháng đầu tiên trong gói tín dụng 2.000 tỉ đồng dành cho khách hàng vay mua nhà thế chấp bằng BĐS.
Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay bất động sản nhằm phân tán rủi ro Ảnh: TẤN THẠNH |
Trong khi đó, NH TMCP Quốc tế (VIB) đưa ra nhiều gói tín dụng với các mức lãi suất cho khách hàng lựa chọn để vay tiền mua nhà, xây sửa nhà hoặc vay tiêu dùng có tài sản bảo đảm. Ông Rahn Wood, Giám đốc khối NH bán lẻ của VIB, cho biết nhiều khách hàng lo ngại thời gian đầu lãi suất thấp nhưng sẽ tăng cao trong những tháng tiếp theo nên NH đưa ra mức lãi suất cố định trong suốt thời gian vay là 10,7%/năm.
Theo phó tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần, 5 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thống NH chỉ tăng hơn 1,31%, trong đó một số NH vẫn tăng trưởng âm. Để giảm bớt áp lực sử dụng vốn không hiệu quả, NH phải đẩy vốn ra nhưng không thể đổ vào các kênh có rủi ro cao vì sợ nợ xấu tăng thêm. Do đó, cho vay mua nhà, tín dụng cá nhân đang là kênh được ưu tiên bởi cho vay BĐS ít rủi ro hơn các lĩnh vực khác, nếu có rủi ro, NH vẫn còn tài sản thế chấp để thu hồi vốn.
“Ẩn số” gói 50.000 tỉ đồng
Các NH không chỉ đổ xô cho khách hàng cá nhân vay mua BĐS mà còn dành riêng một số gói tín dụng cho doanh nghiệp (DN) BĐS. Cuối tháng 3 vừa rồi, thị trường xôn xao khi NH TMCP Xây dựng (VNCB) công bố gói tín dụng 50.000 tỉ đồng, theo mô hình liên kết 4 nhà. Tại buổi công bố, Tổng Giám đốc VNCB Phan Thành Mai cho biết các thành viên trong chuỗi liên kết 4 nhà (nhà thầu, nhà cung cấp vật liệu, NH và chủ đầu tư) sẽ cùng ký một hợp đồng để dòng vốn bơm vào đúng dự án. Đã có 8 NH thương mại cùng VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh (vai trò là nhà cung ứng vật liệu xây dựng) tham gia ký kết triển khai chương trình tại TP HCM.
Đến giữa tháng 4, một hội nghị khách hàng do VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh tổ chức quảng bá gói tín dụng 50.000 tỉ đồng tiếp tục diễn ra ở Hà Nội. Lần này, không chỉ các NH thương mại mà nhiều DN BĐS cũng tham gia ký kết.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết dự án Thái An (quận Gò Vấp, TP HCM) của Đất Lành gặp khó khăn về vốn phải “trùm mền” 6 tháng nên khi nghe có gói tín dụng 50.000 tỉ đồng, DN kỳ vọng sẽ làm sống lại dự án. Tuy nhiên, sau khi ký kết xong, nhiều lần liên hệ với VNCB để hỏi tiến độ giải ngân nhưng DN đều không nhận được câu trả lời.
Mọi thông tin về lãi suất cho vay, đơn vị nào bán vật liệu xây dựng, NH nào cấp vốn, DN đều không được thông tin. “Sau 2 tháng chờ đợi không kết quả, Đất Lành đành phải bán 178 căn hộ dự án Thái An cho DN khác để lấy vốn xây dựng tiếp. Còn gói tín dụng 50.000 tỉ đồng đến giờ vẫn là ẩn số, không như kỳ vọng của DN” - ông Đực nói.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần cho biết NH có tham gia hợp tác với VNCB trong mô hình 4 nhà nhưng thực tế gói này… khó khả thi! Đến nay, vẫn chỉ là những thông tin mang tính chất quảng bá, còn thực sự các NH tham gia có quyền lợi gì về lãi suất, đầu ra tín dụng, đối tượng được vay gói này là ai, có đủ tiêu chuẩn tài chính, khả năng thi công, năng lực tổ chức hay điều kiện khác… đều chưa rõ.
Kênh đầu tư đang thịnh
Theo các chuyên gia kinh tế, trong khi các kênh ngoại tệ được kiểm soát tốt; vàng, chứng khoán thì quá rủi ro nên BĐS đang là kênh đầu tư được nghĩ tới. Hơn nữa, các chính sách kích cầu BĐS thời gian qua đang phát huy hiệu quả, giúp giải tỏa hàng tồn kho, DN có vốn triển khai tiếp dự án và kéo theo sự phục hồi của các ngành khác như vật liệu xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động