Top

DN địa ốc không muốn “bị ép” giao dịch qua sàn

Cập nhật 29/05/2013 16:11

Cho rằng quy định giao dịch bất động sản qua sàn không phát huy được hiệu quả như mục tiêu đề ra của cơ quan quản lý và hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, các doanh nghiệp kiến nghị, nên bỏ quy định này.

Theo các doanh nghiệp đầu tư bất động sản, Việt Nam là nước duy nhất có quy định giao dịch bất động sản phải bắt buộc qua sàn. Ở các nước vẫn có sàn giao dịch bất động sản, nhưng các sàn này lập ra để kinh doanh thông thường, chứ không phải để hạn chế tình trạng bán khống như ở Việt Nam.

Quy định giao dịch bất động sản bắt buộc phải qua sàn không đem lại hiệu quả như mong đợi - Ảnh: Hoài Nam

Đến thời điểm này, quy định giao dịch phải qua sàn đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu trước đó là các loại giao dịch phải qua sàn để hạn chế tình trạng bán khống bất động sản đã không đạt được kết quả như mong muốn. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, tính đến hết tháng 3/2013, số sàn giao dịch bất động sản trên cả nước là 1.012 đơn vị. Trong đó, Hà Nội đứng đầu với 469 sàn, TP. HCM đứng thứ 2 với 397 sàn. Tuy nhiên, dù chưa có số liệu chính thức, rất nhiều sàn trong số này đã “rơi rụng” do thị trường bất động sản đóng băng.

Nhiều chủ đầu tư lo ngại, quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn chẳng những không thể loại bỏ các giao dịch khống, mà còn tạo ra rào cản lớn trong việc thực hiện các dự án bất động sản. Để bán được hàng, nhiều chủ đầu tư đàm phán trực tiếp với khách hàng và hợp thức hóa bằng cách lập ra sàn giao dịch bất động sản của riêng mình, hoặc liên kết với các sàn khác. Như vậy, về cơ bản, quy định giao dịch qua sàn không có nhiều ý nghĩa, nhưng một khi quy định này chưa được gỡ bỏ, thì một số doanh nghiệp đầu tư bất động sản vẫn gặp khó trong quá trình hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Cửu, Tổng giám đốc Tổng công ty Handico cho biết, dù vẫn biết là có bất cập, nhưng Tổng công ty và các đơn vị thành viên vẫn nghiêm túc tuân thủ việc bán hàng qua sàn.

Ông Đặng Tiên Phong, Tổng giám đốc Tổng CTCP Sông Hồng cũng cho biết, cho đến khi quy định chưa được bãi bỏ, thì các đơn vị lớn, nhất là các doanh nghiệp nhà nước vẫn tuân thủ, tuy nhiên, các công ty tư nhân thì không hẳn thế. Vì vậy, theo ông Phong, những quy định không còn phù hợp nên được bãi bỏ để tạo sân chơi sòng phẳng giữa các doanh nghiệp.

Đồng ý với việc cần bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản phải qua sàn, đại diện CTCP Đầu tư địa ốc Him Lam cho biết thêm, còn một số quy định khác cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng cũng cần được gỡ bỏ. Ví dụ, Thông tư 06 của Bộ Xây dựng quy định: “Trong phạm vi địa bàn một tỉnh, hay thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi hộ gia đình và cá nhân chỉ được tham gia góp vốn theo hình thức phân chia sản phẩm là nhà ở một lần”. Quy định này về bản chất rất tốt, bởi nó hạn chế được tình trạng đầu cơ, thao túng thị trường, tuy nhiên, thế nào là đầu tư, thế nào là đầu cơ rất khó phân biệt. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng không kiểm soát được, bởi người mua sẽ lách luật bằng cách nhờ người khác đứng tên. Vì vậy, nên bãi bỏ quy định này, thay vào đó, muốn điều tiết thị trường, Nhà nước cần tạo cơ chế để có nhiều sản phẩm nhà ở chất lượng, nhưng giá rẻ. Khi đó, các chủ đầu tư sẽ phải tự điều chỉnh giá cho phù hợp và người mua cũng không thể “bước vào cuộc chơi” khi biết rõ việc đầu tư không sinh lợi, đầu cơ cũng từ đó mà được hạn chế rất nhiều.

Đại diện Sở Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho rằng, quy định chủ đầu tư chỉ được bán 20% quỹ nhà dưới hình thức huy động vốn góp của nhà đầu tư nhỏ lẻ đi ngược với tinh thần nền kinh tế thị trường, vì thế, trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở, Bộ cần nghiên cứu, bổ sung thêm.

Ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, Bộ Xây dựng không “ngại” đề xuất bỏ quy định giao dịch bất động sản qua sàn, tuy nhiên, đề xuất này phải đúng thời điểm và phù hợp với thực tế. Ông Nam cho biết thêm, nhiều vấn đề như việc huy động vốn liên quan đến quy định này cũng mặc nhiên được tháo gỡ khi quy định giao dịch bất động sản qua sàn được bãi bỏ. Vì vậy, các nhà đầu tư không cần băn khoăn nhiều.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán