Hàng ngàn hộ dân tái định cư của các dự án thủy điện hiện sinh sống rất khó khăn. Cơ quan chức năng đang tính đến chuyện “hậu tái định cư” cho họ nhưng cũng rất nan giải.
Tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã bác đề nghị của Ban Quản lý dự án thủy điện 3 - chủ đầu tư dự án thủy điện Sông Tranh 2 - xin 600 ha rừng phòng hộ để bố trí đất sản xuất cho người dân tái định cư (TĐC) dự án này.
Theo Ban Quản lý dự án thủy điện 3, hiện 320/1.046 hộ dân bị ảnh hưởng dự án thủy điện Sông Tranh 2 ở hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My đang TĐC trong... rừng phòng hộ. Ba năm nay, do không có đất sản xuất, các hộ dân này phải chặt phá rừng làm nương rẫy.
Đem con bỏ chợ
Đã gần 5 năm di dời vào các khu TĐC dự án thủy điện Sông Tranh 2 nhưng nhiều hộ dân hiện vẫn sống cảnh không đất sản xuất, không nơi chôn cất người chết và thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đến nay, vẫn còn 259 hộ không đồng ý nhận đất sản xuất ở các khu TĐC vì cho rằng quá xấu, không nhận tiền đền bù vì đơn giá thấp... “Người ta đã đem con bỏ chợ” - một người dân TĐC ngậm ngùi.
Tại các khu TĐC dự án thủy điện A Vương ở hai huyện Đông Giang và Nam Giang - Quảng Nam, do chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết trong việc giải tỏa, đền bù, TĐC nên người dân cũng gặp rất nhiều khó khăn. 357 hộ với gần 2.000 người trong các khu TĐC dự án này ở xã Màcooih - Đông Giang và xã Dang - Tây Giang luôn thắc thỏm bởi “giặc đói” đe dọa 5 năm nay.
Ông Bhnướch Là ở khu TĐC tại xã Màcooih thổ lộ: “Đất cấp cho dân TĐC toàn loại đồi núi sỏi đá nên không thể trồng gì được. Đói đã lo nhưng lo nhất là chuyện sạt lở đất khi mưa lớn”.
Người dân khu tái định cư dự án thủy điện Sông Ba Hạ sống rất khó khăn do thiếu đất sản xuất. Ảnh: Đức Tấn.
Ông Bhríu Le, Chủ tịch UBND xã Dang, bức xúc: “Không có đất sản xuất nên người dân làm rẫy trên núi cao, vượt dốc, lội suối rất vất vả nhưng thu hoạch không bao nhiêu. Tỉ lệ đói nghèo ở hai khu TĐC ở Dang đến gần 90%.
Nhà TĐC thì cất chen chúc trên vách núi, rất nguy hiểm”. Phó Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam, ông Ngô Bốn, cho biết: “Tỉnh đã dùng tiền thuế của thủy điện A Vương nhưng không đủ đầu tư lại các công trình dân sinh do hậu quả của việc TĐC không đến nơi đến chốn”.
Ăn hết tiền đền bù rồi!
Tại Phú Yên, đã 6 năm kể từ ngày nhường nhà, đất làm dự án thủy điện Sông Ba Hạ, hàng trăm người dân ở huyện Sơn Hòa đến nơi TĐC vẫn không biết làm gì để sinh sống vì chưa được cấp đất sản xuất. Ở khu TĐC tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, vợ chồng ông Ma Hoan và 4 người con cả ngày bó gối ngồi nhà.
Ông Hoan rầu rĩ: “Chủ đầu tư hứa sẽ cấp trên 8 sào đất trồng lúa nước cho mình nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy. Cả nhà 6 miệng ăn phải hái củi, đánh cá kiếm sống, bữa đói bữa no”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số tiền đền bù cho người dân di dời làm thủy điện Sông Ba Hạ khá cao. Tuy nhiên, khi về nơi TĐC, nhiều người đã dùng tiền này mua sắm các vật dụng gia đình và chi phí việc ăn uống hằng ngày.
“Mình được đền bù cũng khá nhưng ăn hết rồi. Không có miếng đất nào sản xuất, nhà mình không biết sống sao đây” - chị Hờ Nhoai ở xã Suối Trai than thở. Nhà Hờ Chót bên cạnh Hờ Nhoai được đền bù 100 triệu đồng, đến giờ chỉ còn non 30 triệu đồng...
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: “Chủ đầu tư thủy điện Sông Ba Hạ đang san ủi một cánh đồng để lo đất sản xuất cho người TĐC nhưng tiến độ quá chậm. Không có đất, đời sống người dân TĐC thật khó khăn”.
Loay hoay tìm lối thoát
Không thể trụ lại được trong các khu TĐC tệ hại, nhiều gia đình đã dắt díu nhau về làng cũ hoặc tự đi tìm vùng đất mới làm nhà tạm để sinh sống.
Để tháo gỡ khó khăn cho người dân TĐC thủy điện A Vương, năm 2009, UBND huyện Đông Giang đã có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho họ với tổng kinh phí 42,3 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì thiếu kinh phí.
Trong khi đó, ông Bhríu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết huyện đang lập dự án đưa dân TĐC thủy điện A Vương đến các khu đất mới với chi phí khoảng 100 tỉ đồng. “Còn các khu TĐC thì để làm... du lịch!” - ông Liếc hài hước.
Trong buổi làm việc với EVN nhằm tìm lối thoát cho người dân TĐC dự án thủy điện Sông Tranh 2, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng dự án phải có đất cho dân sản xuất, tuyệt đối không tác động đến rừng. Ông Trần Văn Được, Phó Tổng Giám đốc EVN, cam kết sẽ cùng chủ đầu tư và địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề tồn đọng của dự án thủy điện Sông Tranh 2.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hoàn, đối với các dự án thủy điện nói chung và dự án Sông Ba Hạ nói riêng, chủ đầu tư nên giúp người dân TĐC chuyển đổi nghề sang làm dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp... Ông Y Thông, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh - Phú Yên, nơi có nhiều người dân di dời để xây dựng hai thủy điện Sông Hinh và Sông Ba Hạ, đề xuất: “Nhà đầu tư nên tính đến việc đền bù bằng cổ phiếu của chính thủy điện đó cho người dân. Đồng thời, ưu tiên đào tạo nghề cho họ gắn với những công việc liên quan đến thủy điện”.
Khảo sát tình trạng khó khăn của người dân tái định cư
Cục phó Cục Hợp tác xã - Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Phạm Khánh Ly cho biết cục đã nhận được báo cáo về tình trạng khó khăn của người dân TĐC các dự án thủy điện tại Quảng Nam, Phú Yên...
Trong tuần tới, Bộ NN-PTNT sẽ cử đoàn công tác đến địa phương khảo sát, nắm tình hình và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn với chính quyền cùng chủ đầu tư.
“Người dân đã đồng tình với phương án đền bù trước khi nhận tiền và TĐC, nay gặp khó khăn thì nên ngồi lại với các bên liên quan để tính chuyện khắc phục. Việc xây dựng phương án khắc phục cũng cần xét tất cả các yếu tố khách quan, chủ quan nhưng quan trọng là sự nỗ lực của các bên” - ông Ly nhìn nhận.