Nhà đầu tư Hàn Quốc rót gần 1 tỷ USD để phát triển dòng sản phẩm nhà vừa túi tiền đang mở ra cơ hội sở hữu nhà cho nhiều người; HUD bị tố bán chui dự án, vốn đầu tư dồn dập đổ vào Phú Quốc là những câu chuyện nóng trên các báo. Dự án giãn dân phố cổ tái khởi động; khách hàng Dự án Văn Phú Victoria “chết đứng” vì bị chủ đầu tư rao bán căn hộ là những câu chuyện nóng nhất trong tuần.
1. Câu chuyện nóng nhất trên thị trường địa ốc trong tuần này có lẽ là việc CTCP Tổ chức nhà Quốc gia (N.H.O), một nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc công bố danh sách 14 dự án đang đầu tư (Báo Xây dựng, 8/5).
Nóng bởi con số gần 1 tỷ USD mà Công ty này ước tính sẽ đầu tư vào 14 dự án cũng như số lượng sản phẩm thuộc phân khúc nhà vừa túi tiền mà Công ty này dự kiến sẽ cung ra thị trường: 25.000 căn hộ trong giai đoạn 2015-2018 và tham vọng xây dựng 100.000 căn hộ nhà giá rẻ trong 10 năm tới. Đây sẽ là nguồn cung đáng kể, bởi theo thống kê của Bộ Xây dựng mới đây, nhu cầu nhà nhà ở thu nhập thấp từ nay đến năm 2020 vào khoảng 432.000 căn, tương đương khoảng 17,28 triệu m2.
Theo công bố của nhà đầu tư này thì các dự án của N.H.O tập trung ở những đô thị lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ngãi, An Giang đều nhắm đến phân khúc nhà ở vừa túi tiền, trên mọi phân khúc: chung cư, nhà phố, nhà ở xã hội, trung tâm thương mại. Dự kiến, nhà đầu tư này sẽ tung ra thị trường dự án đầu tiên là First Home quận 12 vào cuối quý II/2015, có giá 9 triệu đồng/m2, với mức giá gần 400 triệu đồng/căn trở lên.
Trước N.H.O, Trước N.H.O, Tập đoàn Novaland khi công bố mua lại và hợp tác đầu tư 3 dự án trong tháng 2/2014, với tổng vốn hơn 3.000 tỷ đồng và đang xúc tiến mua lại nhiều dự án ở khu trung tâm TP. HCM. (“Nhà đầu tư nội, ngoại đua rót tiền mua lại dự án”, VNExpress, 9/5).
Sự thành công của thương vụ mua lại dự án và phát triển dự án của N.H.O như ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành nhận xét, “cần chờ thực tế”, nhưng “đây là tín hiệu tích cực".
Chưa biết kế hoạch của N.H.O sẽ khả thi tới đâu bởi 1 tỷ USD nghe thì to, nhưng nếu mới chỉ là tuyên bố thì trước đây có những tuyên bố tới 4-5 tỷ USD rồi!. Nhưng ít nhấttrong lúc nguồn cung nhà giá thấp đang khan hiếm và được xem là nguyên nhân gói vốn 30.000 tỷ đồng chậm giải ngân thì rõ ràng đây là một thông tin vui đối với rất nhiều người đang có nhu cầu sở hữu nhà ở.
2. Không riêng phân khúc nhà ở, tại phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đang chứng kiến dòng vốn đầu tư lớn đang ồ ạt đổ vào Phú Quốc, để tìm kiếm cơ hội tại hòn đảo xinh đẹp này.
Có thể kể đến như Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam khởi công xây dựng dự án khu resort 5 sao Hòa Bình tại Bắc Bãi Trường (huyện Phú Quốc), với quy mô đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn BIM cũng đã khởi công dự án khách sạn 5 sao có tổng số vốn 1.500 tỷ đồng tại khu vực Bãi Trường. Tập đoàn Vingroup đã khởi công xây dựng dự án khu resort 5 sao Vinpearl Phú Quốc trên một khu đất rộng 300 héc-ta, gồm khu khách sạn cao cấp, khu biệt thự với trên 500 phòng và khu sân golf...
Theo ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, hiện đang có 204 nhà đầu tư đã, đang đăng ký đầu tư tại Phú Quốc. Trong đó, có gần 100 dự án đã được cấp phép và đang triển khai, gồm các dự án du lịch, đặc biệt khu resort chất lượng cao, với tổng vốn đăng ký hơn 40.000 tỷ đồng. (Mạnh tay rót vốn vào Phú Quốc, Tiền phong, 8/5).
Phú Quốc được coi là đảo ngọc, hy vọng các nhà đầu tư hãy giúp nó trở lên long lanh hơn thay vì “chia đất, nhận phần”!
3. Thị trường bất động sản đã có những dấu hiệu ấm lên, không chỉ các dự án nhà ở thương mại, dự án công trình giãn dân phố cổ Hà Nội cũng được tái khởi động.
Sau vài lần đề án gặp trục trặc, mới đây, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ khởi công công trình nhà ở giãn dân khu phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) vào cuối 2014 và hoàn thành vào năm 2016 để đón cư dân phố cổ. Chưa biết đề án có về đích trọn vẹn, đúng hẹn hay không, một số bộ phận nhà đầu tư “nhanh nhạy” cũng đã "ăn đủ".
Theo Đề án giãn dân phố cổ, giai đoạn 2012 – 2015 sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng từng khu nhà ở, bàn giao căn hộ. Thực tế là năm 2012, TP. Hà Nội có quyết định về việc giao cho quận Long Biên 11,12 héc-ta đất tại Khu đô thị (KĐT) mới Việt Hưng giao cho CTCP Vật liệu & XNK Hồng Hà thực hiện. Đến tháng 11/2013, VKSND TP. Hà Nội ra cáo trạng đối với Công ty Hồng Hà với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản: đơn vị này đã nhận đặt cọc của khách hàng 169 tỷ đồng và chưa thực hiện phần việc nào của dự án thi công. Trong số hơn 100 nhà đầu tư góp vốn, có rất nhiều khách hàng mua lại suất. UBND quận Hoàn Kiếm thì cho biết chưa hề có hợp đồng kinh tế với CTCP Hồng Hà. Lịch hoàn thành nhà vào năm 2016 chưa có gì là chắc chắn, khi điệp khúc hoãn - giãn của dự án này được ca liên tục. (“Đề án giãn dân phố cổ: Vàng mắt vì… đất vàng”, Thời báo kinh doanh, 8/5).
Phố mới cũng có chuyện, phố cũ thì càng nhiều chuyện, phố cổ thì luôn đặc biệt nhiều chuyện. Nhưng dù có giãn dân, bảo tồn, khai thác du lịch… thì đầu tiên hãy quan tâm tới nguyện vọng của cư dân.
4. Câu chuyện thứ tư cũng liên qua đến rủi ro, thua thiệt của khách mua nhà, nhưng lại là rủi ro khi mua nhà qua nhà đầu tư thứ cấp (Khách hàng Văn Phú Victoria “chết đứng” khi bị chủ đầu tư bán căn hộ, Tinnhanhchungkhoan, 7/5).
Chuyện là nhiều khách hàng đặt mua căn hộ Văn Phú Victoria (quận Hà Đông) qua đơn vị thứ cấp, với số tiền khoảng 60% giá trị hợp đồng, nhưng sắp đến ngày được nhận nhà thì được biết đơn vị thứ cấp bị chủ đầu tư đình chỉ hợp đồng và căn hộ đặt mua đã bị bán cho người khác.
Theo nhà đầu tư thứ cấp thì nhà đầu tư thứ cấp không sai, mà “do các khách hàng chây ỳ không chịu đóng tiền theo thỏa thuận hợp đồng” và “việc giải quyết phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đầu tư. Còn chủ đầu tư cho rằng, chỉ ký hợp đồng với đơn vị thứ cấp là Công ty Thế Kỷ, “quan hệ giữa Công ty Thế Kỷ và khách hàng là quan hệ độc lập”.
Chuyện mua nhà qua nhà đầu tư thứ cấp khá phổ biến trong thời gian trước, chuyện chậm thanh toán tiền trong giai đoạn thị trường bất động sản đóng băng cũng không hiếm. Nhưng cách giải quyết theo kiểu “chủ đầu tư không liên quan” thì thiệt thòi dường như chỉ khách hàng phải chịu. Nhất là khi Văn Phú Victoria đang nằm trong danh sách những dự án được rao bán chênh với giá gốc cả trăm triệu đồng.
Dạo này không hiểu sao có nhiều người tay cầm tiền, miệng lại bảo “không phải tôi”!?
5. Trong tuần cũng có nhiều thông tin đáng chú ý khác như UBND tỉnh Quảng Ninh vừa công bố thu hồi 35 dự án đầu tư chưa giao đất vì các chủ đầu tư không triển khai dự án đúng thời gian cam kết hoặc đã có công văn trả lời không còn nhu cầu đầu tư. Trong đó, thành phố Hạ Long có 11 dự án, thành phố Uông Bí có 6 dự án, thành phố Móng Cái 5 dự án và thành phố Cẩm Phả 5 dự án.
Đáng chú ý, nhiều dự án phát triển du lịch sinh thái ở các điểm du lịch lớn của Quảng Ninh như Bãi Cháy, Vân Đồn, Uông Bí cũng buộc bị thu hồi vì vi phạm luật đầu tư. Theo Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Ninh có 179 dự án nằm trong diện phải thu hồi, trong đó 114 dự án chưa được giao đất, 65 dự án được giao đất. Đối với 65 dự án đã được giao đất có chủ trương thu hồi, hiện các ngành chức năng đã rà soát kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh thu hồi 45 dự án.
Còn tại Hà Nội, cầu Đông Trù, cây cầu bắc qua sông Đuống, nối xã Đông Hội (huyện Đông Anh) sang phường Ngọc Thụy (Gia Lâm) vừa được hợp long và dự kiến sẽ thông xe vào tháng 10/2014. Cây cầu này nằm trong dự án đường 5 kéo dài, trục giao thông chính giúp phát triển khu đô thị, khu công nghiệp bắc sông Hồng, khi hoàn thành sẽ góp phần giải tỏa lượng giao thông liên tỉnh từ hướng Hải Phòng, Quảng Ninh đi các tỉnh phía Tây và Tây Bắc Hà Nội.
Cùng với cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù đi vào hoạt động sẽ giúp việc di chuyển giữa hai bờ sông Hồng, sông Đuống trở nên thuận tiện, đồng thời tăng cường sự phát triển của các khu đô thị ở bờ bắc sông Hồng.
Cũng tại quận Long Biên, Liên danh Savills Việt Nam và Hanco9 công bố mở bán đợt cuối cùng căn hộ tại Tháp trung tâm N03 Dự án Berriver Long Biên, tại số 390 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội. Tọa lạc ngay bên bờ sông Hồng và cách Hồ Gươm chỉ 3 km, Berriver Long Biên là tổ hợp 5 tòa tháp cao 22 tầng, với tổng diện tích lên đến 34.000 m2. Các căn hộ tại Berriver Long Biên có diện tích từ 65 – 120 m2, được thiết kế 2 - 3 phòng ngủ. 3 trong số 5 toà tháp đang được hoàn thiện và chuẩn bị bàn giao trong quý III tới.
Theo thông tin từ Savills Việt Nam, hiện giá chào bán căn hộ tại đây dao động từ 24 - 27 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương với mức giá từ 1,6 tỷ đồng/căn hộ. Khách hàng các gói bàn giao căn hộ (cả thô và hoàn thiện nội thất), với lịch thanh toán đa dạng và còn được hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Siêu thị dự án Bất động sản STDA TP.HCM mở bán Dự án Mega Residence đợt 2 vào ngày 17.5.2014.
Còn tại TP. HCM, CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền công bố mở bán đợt 3 Dự án Mega Residence. Khách hàng sẽ được tặng ngay 1 tủ lạnh LG từ ngày 1/5 -17/5/2014. Với khách hàng mua nhà tại dự án từ ngày 18.5 đến 31.5.2014 sẽ được tặng ngay TV Sharp 32 inch. Và được nhận ngay 1 phiếu rút thăm trúng thưởng, có cơ hội sở hữu xe máy Vespa, điện thoại Galaxy Note III, máy tính bảng Galaxy Note 8.0. Với giá trung bình chỉ từ 13,5 triệu đồng/m2/căn nhà; được hỗ trợ vay đến 70% giá trị với lãi suất thấp.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán