Tại "Diễn đàn quốc gia về giao đất giao rừng tại Việt Nam", ngày 29/5, ông Hà Công Tuấn Cục trưởng Cục Kiểm lâm cho biết: Đến năm 2010 sẽ phải hoàn thành cơ bản việc giao, cho thuê 12,6 triệu ha đất rừng đến từng chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế để tổ chức quản lý bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Diễn đàn này do Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức nhằm quản lý việc giao đất trồng rừng có hiệu quả hơn, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa đang diễn ra mạnh mẽ gây sức ép rất ghê gớm với đất trồng rừng. Đặc biệt, khi mà cả thế giới đang phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ô zôn, tàn phá rừng, chất thải độc hại, mất đa dạng sinh học... Hệ lụy đó là do một thời kỳ chúng ta phát triển kinh tế quá nhanh mà quên đi yếu tố môi trường.
Hiện nay đất rừng có chủ thực sự thấp, dẫn đến tình trạng rừng chưa được bảo vệ, quản lý và sử dụng có hiệu quả (hiệu quả sau giao rừng mới chỉ có 20% - 30%). Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Nhà nước quản lý diện tích rừng lớn nhưng không có khả năng kinh doanh hoặc chưa có điều kiện để sản xuất kinh doanh có hiệu quả các diện tích rừng được giao.
Đối với diện tích rừng giao cho UBND tỉnh, thành phố quản lý thì cơ bản vẫn không được quản lý, bảo vệ tốt hoặc vẫn trong tình trạng vô chủ. Diện tích rừng giao cho gia đình, cá nhân đạt rất thấp (22%), chủ yếu là rừng nghèo, chưa phát huy hiệu quả kinh tế, người dân vẫn chưa sống được bằng nghề rừng.
Theo đánh giá của ông Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Công tác giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa gắn kết với công tác giao rừng và các cơ chế hưởng lợi, chính sách hỗ trợ đi kèm. Vì vậy hiệu quả của việc sử dụng rừng và đất rừng thấp, tài nguyên rừng vẫn bị suy giảm và đời sống của người dân cũng chưa được cải thiện.
Cũng trong Diễn đàn, các đại biểu đã nêu ý kiến cần giao đất rừng, cho thuê rừng phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ rừng và phát triển rừng đồng thời giao rừng cần tiến hành song song với giao đất lâm nghiệp. Những diện tích rừng chưa có điều kiện giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thì tiến hành giao quyền sử dụng rừng trước. Đặc biệt là phải đảm bảo bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế, giảm thiểu mâu thuẫn; ưu tiên giao rừng cho đồng bào dân tộc tại chỗ; cộng đồng thôn bản theo tập quán đã quản lý rừng trên thực tế.