Top

"Đây là giai đoạn chín muồi quy hoạch mở rộng Hà Nội"

Cập nhật 12/03/2008 09:00

Trao đổi với Báo giới, ông Lê Đình Tri, Phó vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch, Bộ Xây dựng, nhận định, việc lựa chọn mở rộng về Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình là do lợi thế về địa lý, đất đai và yếu tố lịch sử văn hóa. Tuy nhiên, Hà Nội cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi mở rộng gấp 3 lần hiện nay.

* Là chuyên gia quy hoạch kiến trúc, ông nghĩ sao trước những ý kiến trái chiều về việc mở rộng địa giới Hà Nội?

Thủ đô Hà Nội đang hội nhập sâu với quốc tế, cần đủ diện tích để trở thành trung tâm phát triển vùng, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Do vậy, muốn phát triển lâu dài phải có tầm nhìn xa, không chỉ quy hoạch với tầm nhìn 20 năm mà còn là 50 năm. Hà Nội hiện tại có nhiều sức ép, quá tải về cấp nước, thoát nước, giao thông tĩnh, nghĩa trang, rác thải, nhà ở, các trường đại học, điểm vui chơi giải trí...

40 năm trước đây, các nhà lãnh đạo đã dự kiến mở rộng về phía bắc, Hà Nội mở rộng qua sông Hồng tới Mê Linh. Cách đây 10 năm, chúng ta đã nói tới chuỗi đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Miếu Môn, Xuân Mai, dự định phát triển chuỗi đô thị phía Tây để cân đối cho Hà Nội tương lai. Dự kiến mở rộng Hà Nội hiện nay không phải bất ngờ mà đã có trong đầu các nhà lãnh đạo, chuyên gia quy hoạch từ nhiều thế hệ. Đây là giai đoạn chín muồi nhất để triển khai.



Ông Lê Đình Tri.

* Nhưng trên thế giới nhiều thủ đô có diện tích nhỏ, ông nghĩ sao về thực tế này?

Theo tôi, không nên lấy thủ đô các nước để đưa vào điều kiện của VN. Vấn đề là đất nước đó thấy cần thiết để mở rộng hay không, để áp dụng theo thực tế. Ngay thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) có 15 triệu dân, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với dân số cả nước song họ vẫn giữ như vậy. Mỗi nước trên thế giới đã phát triển thủ đô nhiều cách như di dời sang vị trí mới hoặc mở sang các hướng, đáp ứng nhu cầu.

* Theo ông, dựa trên cơ sở nào chúng ta lại chọn tỉnh Hà Tây, một số xã của huyện Lương Sơn, (Hòa Bình) và huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) để sáp nhập với Hà Nội? 

Các tỉnh này có lợi thế về địa lý tự nhiên, đất đai và yếu tố lịch sử văn hóa để trở thành thủ đô - trung tâm của đất Việt. Hòa Bình là cái nôi văn hóa, Hà Tây là đất hai vua, Mê Linh là nơi phát tích của Hai Bà Trưng.

Đứng về góc độ địa hình, Hòa Bình, Hà Tây có tài nguyên đất đai, địa hình đa dạng, quỹ đất ở đó đủ để sử dụng cho hạ tầng như nước, rác thải, nghĩa trang, khu đại học… đáp ứng yêu cầu của tương lai gần và tương lai xa của thủ đô. So sánh với các tỉnh lân cận khác như Bắc Ninh, Hưng Yên thì quỹ đất nhỏ, địa hình lại không thích hợp.

* Có ý kiến cho rằng, thay vì mở rộng thành phố thì nên phát triển các đô thị vệ tinh xung quanh Hà Nội. Ngoài ra, mở rộng thủ đô gây chênh lệch lớn về quy mô với các tỉnh lân cận. Quan điểm của ông thế nào?

Các đô thị vệ tinh xung quanh thủ đô như Hà Đông, Bắc Ninh, Hưng Yên đã chia sẻ nhiều cho Hà Nội, hầu hết các tỉnh này đã có trường đại học, bệnh viện, khu công nghiệp, vui chơi giải trí… Nếu không có đô thị vệ tinh đó thì Hà Nội còn quá tải, chịu sức ép lớn hơn nữa. Song song với mở rộng vẫn tạo điều kiện tốt nhất để các đô thị xung quanh phát triển.

Đúng là các tỉnh lân cận sẽ tương đối nhỏ so với thủ đô Hà Nội trong tương lai. Nhưng các tỉnh này nằm trong sự gắn kết vùng thủ đô. Mối quan hệ liên vùng bổ trợ cho nhau, nên yếu tố về quy mô dân số, diện tích không ảnh hưởng đối với tỉnh này tỉnh kia, thậm chỉ hỗ trợ cho nhau tốt hơn, khi có một thủ đô đủ lớn, đủ mạnh để chia sẻ nguồn lực.

* Các nhà quy hoạch đã lường trước những vấn đề gì khó khăn khi mở rộng thủ đô?

Theo tôi, khi thủ đô được mở rộng lên tới 2.700 km2 (gấp 3 lần hiện nay), song lại xây dựng từ nền móng cũ. Đây là một bài toán khó, phức tạp, cần có giải pháp hợp lý và khoa học, cả tính nhân văn, phải có lộ trình hợp lý. Chúng ta phải kế thừa tối đa những công trình đã có, tránh tình trạng phá đi làm lại, đặc biệt là công trình liên quan đến đời sống dân cư.

* Theo ông, nguồn lực nào để có thể thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thủ đô mới?

Nguồn vốn phải nhìn vào ngân sách nhà nước và đầu tư của người dân. Đặc biệt, chính sách khai thác tài nguyên đất đai hợp lý sẽ tạo nguồn vốn đầu tư cho các dự án.

* Trong khi việc quy hoạch, xây dựng hạ tầng của thủ đô Hà Nội còn dang dở, manh mún, làm thế nào để các dự án đầu tư xây dựng mới có tránh khỏi tình trạng này?

Tình trạng xây dựng manh mún, lẻ tẻ là do quy hoạch Hà Nội kéo dài theo chiều dài lịch sử, chúng ta đã phải kế thừa cả mặt ưu mặt nhược. Ngoài ra, do công tác quản lý và chính sách xây dựng thủ đô chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa đồng bộ giữa nhiều ngành.

Đặc biệt, ý thức của người dân đóng góp vào phát triển đô thị chưa cao, như còn lấn chiếm đất đai, đòi đền bù cao hơn chính sách… khiến đường phải tránh nhà dân, thay đổi thiết kế đường, cầu. Do vậy, nếu các giải pháp này được giải quyết đồng bộ thì các dự án đầu tư xây dựng sẽ tránh được tình trạng bất cập như hiện nay.

Khảo sát toàn bộ quy hoạch, dự án đầu tư của Hà Nội và 3 tỉnh: Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên vừa ký quyết định thành lập Đoàn công tác thực hiện kiểm tra, rà soát các đồ án quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng đang triển khai thuộc phạm vi ranh giới dự kiến mở rộng thủ đô Hà Nội.

Đoàn sẽ có 11 thành viên bao gồm đại diện của ba cơ quan: Bộ Xây dựng, Bộ Tài Nguyên Môi trường và Văn phòng Chính Phủ. Bà Phan Thị Mỹ Linh, Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch (Bộ Xây dựng) được cử làm tổ trưởng. Ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó vụ trưởng Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị và ông Phạm Xuân Tứ, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn được cử làm tổ phó.

Đoàn sẽ khảo sát toàn bộ các đồ án quy hoạch và các dự án đầu tư thuộc của Hà Nội và 3 tỉnh dự kiến sẽ sáp nhập là Hà Tây, Vĩnh Phúc và Hoà Bình.

Theo VnExpress