Cầu Đồng Nai mới được đầu tư theo hình thức BOT |
Nhiều chuyên gia về xây dựng cơ bản cho rằng, 3 chủ thể trong hoạt động xây dựng gồm chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công là những nhân tố có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công trình.
Vì vậy việc xác định nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng thông qua 3 chủ thể này để ngăn chăn sự cố là rất cần thiết.
Trước hết, văn bản pháp lý về cơ chế chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước phải mang tính đồng bộ, có hệ thống và có chế tài xử lý vi phạm đủ mạnh.
Năm 2009 là năm có sự chuyển biến mạnh mẽ về các thể chế XDCB với nhiều Nghị định của Chính phủ ra đời như Nghị định về quản lý dự án, Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và một số Nghị định khác. Có thể nói, các văn bản đã có sự điều chỉnh để bám sát thực tế, theo kịp sự biến đổi của thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tăng cường quản lý chất lượng ở tất cả các giai đoạn
Để tạo ra sản phẩm hoàn hảo đòi hỏi mỗi công đoạn, mỗi khâu thực hiện phải được kiểm soát chặt chẽ bởi một hệ thống quản lý chất lượng của các chủ thể tham gia. Thông thường một dự án đầu tư gồm các giai đoạn:
Giai đoạn lập dự án: Có vai trò quyết định chất lượng sản phẩm liên quan nhiều đến chủ đầu tư và tư vấn lập dự án. Chủ đầu tư phải thường xuyên cập nhật và áp dụng các tiêu chuẩn, định mức kinh tế-kỹ thuật hiện hành, kiểm tra, rà soát năng lực hoạt động của các tổ chức tư vấn. Tránh tình trạng sử dụng nhà thầu là “sân sau” của chủ đầu tư dẫn đến việc kiểm soát chất lượng lỏng lẻo.
Đối với các tổ chức tư vấn, cần có chính sách và cơ chế thoả đáng tạo cho họ có điều kiện trau chuốt sản phẩm của mình, vì trong giai đoạn này, tư vấn sẽ đưa ra nhiều phương án để chủ đầu tư lựa chọn một phương án tối ưu cả về kinh tế và kỹ thuật.
Giai đoạn lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật: Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá tính hiệu quả kinh tế - xã hội mà công trình mang lại chính là chất lượng của công trình. Chất lượng đảm bảo đúng theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt.
Nhà thầu thiết kế phải quản lý chất lượng theo các qui định hiện hành, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO và tăng cường công tác giám sát tác giả thiết kế. Tuân thủ các qui định về nhân lực trong hồ sơ trúng thầu thiết kế; Không được sử dụng cán bộ kém năng lực khi tham gia thiết kế.
Giai đoạn thi công: Trong hồ sơ trúng thầu, nhà thầu đã đề xuất biện pháp thi công cũng như hệ thống quản lý chất lượng. Hệ thống quản lý chất lượng phải được áp dụng và phù hợp với yêu cầu, tính chất, qui mô của công trình; Biện pháp thi công phải được kiểm soát bởi tư vấn giám sát và tổ chức tư vấn cấp chứng nhận chất lượng; Kiểm tra thiết bị, thí nghiệm vật liệu trước khi sử dụng; Kiểm soát an toàn lao động và vệ sinh môi trường.
Giai đoạn nghiệm thu bàn giao công trình: Là một việc làm cần thiết để khẳng định công trình có đạt tiêu chí về chất lượng hay không. Tổ chức tư vấn độc lập có đủ điều kiện và năng lực sẽ thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá và cấp chứng nhận.
Tăng cường năng lực các tổ chức tư vấn kiểm định: Ngoài hệ thống kiểm soát chất lượng của chủ đầu tư và nhà thầu, công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng của các tổ chức tư vấn độc lập có đủ điều kiện và năng lực cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng công trình.
Với mục đích tăng cường năng lực và trao đổi kinh nghiệm, các tổ chức tư vấn kiểm định đã liên kết với nhau tạo thành mạng kiểm định trên toàn quốc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình. Tuy nhiên năng lực chuyên môn và công nghệ, thiết bị của các tổ chức này phần lớn được đầu tư hoạt động trong lĩnh vực kiểm định công trình xây dựng.
Việc tập trung vào một đầu mối do Nhà nước quản lý mà đại diện là Sở xây dựng (tại các địa phương) là hợp lý, nhưng với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, do đặc thù của công trình và tính phức tạp của quá trình kiểm tra, đánh giá nên cần có sự đầu tư chuyên sâu và sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan quản lý.
Vì vậy cần tăng cường năng lực cho các trung tâm trong lĩnh vực kiểm định công trình giao thông để các tổ chức này thực sự là công cụ của cơ quan công quyền thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng công trình, giúp chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Xã hội hóa lĩnh vực đầu tư xây dựng
Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập sâu rộng với thế giới và chấp nhận sự cạnh tranh quốc tế, bởi vậy Nhà nước đã có chủ trương thu hút các thành phần tham gia đầu tư vào nền kinh tế nhằm phát huy hiệu quả khai thác tiềm năng vốn và sự năng động trong quản lý dự án và quản lý chất lượng của các nhà đầu tư tư nhân.
Theo Luật Xây dựng thì chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm toàn diện về chất lượng công trình. Tuy nhiên, ở nước ta những ông chủ thật sự bỏ tiền ra đầu tư xây dựng và sau đó trực tiếp quản lý sử dụng công trình là rất ít.
Nếu chủ đầu tư thực hiện đúng chức năng là một ông chủ do Nhà nước ủy quyền để quản lý vốn đầu tư xây dựng chứ không phải được bổ nhiệm bởi các quyết định hành chính thì sẽ làm tốt vai trò thay mặt Nhà nước làm chủ đầu tư dự án. Thực tế có nhiều dự án đầu tư theo hình thức BOT đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Hiệu quả của một dự án thể hiện không chỉ ở tiêu chí chất lượng mà còn thể hiện ở việc hoàn thành đúng tiến độ và giảm giá thành công trình.
Nhiều dự án BOT đạt được cả 3 tiêu chí đó. Nghĩa là tăng cường công tác quản lý chất lượng đồng nghĩa với việc xã hội hoá đầu tư xây dựng, thực hiện Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay các hình thức đầu tư dự án theo hình thức BOT, BT đang được Đảng và Chính phủ khuyến khích.
Những giải pháp nêu trên đã được thảo luận tại nhiều hội thảo về công tác quản lý chất lượng công trình. Trên thực tế điều cốt lõi để một công trình đầu tư đạt hiệu quả kinh tế - xã hội là việc tất cả các chủ thể tham gia xây dựng công trình có tự giác nghiêm chỉnh tuân thủ đúng các yêu cầu đặt ra trong tất cả văn bản của Chính phủ và của các bộ, ngành hay không.
DiaOcOnline.vn - Theo Giao Thông Vận Tải