Top

Đất phía Tây: Giao dịch bất động

Cập nhật 01/12/2011 09:40

Nhiều dự án một thời đình đám ở phía Tây - là niềm mơ ước với nhiều khu vực khác của Hà Nội về tốc độ tăng giá, nay rơi vào cảnh chưa xác định được vùng đáy sau khi liên tiếp xuống giá, bán tháo mà vẫn bất động giao dịch.

Co cụm đồng loạt


Thị trường đất nền phía Tây Hà Nội những tháng cuối năm 2011 càng lún sâu hơn vào khó khăn. Theo các văn phòng môi giới bất động sản (BĐS), nếu như sau tháng 7 Ngâu, lượng người quan tâm dò hỏi về giá cả, thị trường khá nhiều thì nay, người hỏi mua không còn tha thiết mà người muốn bán cũng chán nản.

Nhân viên bán hàng tên T. của một sàn BĐS chuyên về đất dự án phía Tây như Geleximco, An Hưng, Văn Phú… đã dùng từ "đóng băng" cho tình hình thị trường hiện tại. Anh này than thở, những tưởng sau hàng loạt vụ vỡ nợ, trước áp lực về tài chính, thị trường sẽ đón nhận một đợt bán tháo. Nhưng số lượng hàng giá rẻ bất ngờ nói trên cũng chưa thấy, mà người hỏi mua cũng thưa vắng.


Thời điểm năm ngoái, miếng đất liền kề 90m2 ở Văn Phú của anh T. có khách trả trên 7 tỷ đồng không bán. Đến nay nhà xây thô đã vào ở được, điện nước hạ tầng đầy đủ, giá chào cũng giảm dần xuống khoảng 5 tỷ đồng, mà vẫn bất động khách hỏi mua.

"Nhiều người muốn bán cứ bảo, có khách thì gọi cho chị, nhưng thực tế còn không có khách hỏi. Người muốn mua thì dặn, ô nào rẻ để anh ôm vào nhưng giá nào là rẻ hơn khi mà thị trường liên tục xuống giá thì quả là khó.

Có những ô, ví dụ như dự án Geleximco hiện chỉ còn 35, 36 triệu đồng/m2 - rõ ràng đã giảm so với trước trên 20 triệu đồng. Môi giới cho là rẻ nhưng khách vẫn bảo chờ giảm thêm nữa" - anh T. giãi bày.

Sau nửa năm cầm cự, đến sát Tết hy vọng tình hình giao dịch đất dự án sẽ ấm dần, thì thực tế lại bi đát hơn. Đến mức, người mua - bán chả buồn lên mạng rao tin.

Các trang rao vặt, nhà đất cách đây vài tháng không ngớt thông tin chào bán. Có khi chỉ trong vài tiếng đồng hồ, lượng tin rao bán đã lên đến cả trăm, chạy sang đến trang thứ 2, 3, mà nay chỉ còn lại những người quá kiên trì chịu khó.

Tiếp nối sự đóng cửa, "nghỉ mát" hàng loạt hồi hè của nhiều trung tâm môi giới, sàn bất động sản, nay lại có thêm nhiều đơn vị rút khỏi thị trường, trả lại mặt bằng để chủ nhà cho người khác thuê. Số sàn còn lại thì chuyển từ đất nền sang cần cự ở mảng chung cư giá bình dân.

Không ít nhà buôn, nhân viên môi giới năng nổ một thời khi được hỏi cho biết, hiện đã tranh thủ đi học, có người trở về với chuyên ngành xây dựng, người khác lại tập trung vào lĩnh vực "tay phải", ăn lương công chức.

Bán tháo cũng chê

Xấu hơn cả bối cảnh chung của thị trường, nhiều nhà đầu tư những dự án đang gặp các vấn đề pháp lý, phải tạm dừng, chờ đợi kết quả kiểm tra, xử lý như dự án Vân Canh của HUD, dự án Nam An Khánh của Sudico hay một loạt dự án nợ tiền thuế đất và tiền phạt nộp chậm, vừa đứng trước áp lực về tài chính, vừa lo không có sổ đỏ, số phận dự án chưa biết đi đâu về đâu…

Phụ trách dự án tại sàn Goldenland Info trên đường Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy - đơn vị hiện rao bán nhiều lô liền kề tại dự án Vân Canh cũng thừa nhận, người quan tâm rất ít, chỉ là khảo sát thị trường chứ không có giao dịch thành công nào.

Phạm Anh - một nhà kinh doanh đất dự án, quan sát, tâm lý nhà đầu tư hiện rất hoang mang lo sợ, nhất là những dự án chậm triển khai, bị chôn vốn chưa biết đến khi nào và số phận pháp lý ra sao. Trước đó, ngoài việc bán tháo, các nhà đầu tư còn phản ứng bằng cách đến đơn vị bán hàng, chủ đầu tư trả lại suất đất đã đăng ký mua, đòi lại tiền thì đợt này không thấy còn hiện tượng đó nữa.

Cái chính không phải do hết áp lực tài chính và lo lắng mà bởi bối cảnh thị trường "đóng băng", bán giảm giá cũng không ăn thua, bắt buộc nhà đầu tư phải "nằm im".

Chị Hân, một công chức kiêm nhà đầu tư ôm đất dự án Vân Canh đúc rút, dù có chấp nhận lỗ mấy trăm triệu so với giá nhập cách đây 2 tháng thì hiện cũng không thể bán được. Thị trường không có giao dịch đã đành, dự án gặp vấn đề pháp lý là lại thêm một vòng siết nữa.

Các nhà đầu tư ngắn hạn thường sử dụng vốn tín dụng để đầu tư kinh doanh với tỷ lệ vay lên đến 70-80%. Đã vậy lại dàn trải nhiều dự án mà phần nhiều đều đến lượt phải đóng tiền. Như trường hợp của chị Hân, trước áp lực tài chính rất lớn, có dự án, chị đã phải chấp nhận giảm giá một nửa để lấy tiền bù vào dự án khác mà cũng không bán được.

"Gần đây thông tin Ngân hàng Nhà nước mở tín dụng cho một số phân khúc BĐS nhưng thị trường không có một tín hiệu nhúc nhích. Bán tháo cũng không giúp được gì. Khó khăn hiện tại phải gấp mấy lần thời điểm tháng 7 âm lịch. Năm 2011 này sống được, không chết đã là tốt, chứ không nghĩ đến sống khỏe" - nhà đầu tư này tâm sự.

Theo khảo sát trong tháng 11, đất nền tại dự án Vân Canh lại giảm thêm từ 5-7 triệu đồng/m2. So với thời điểm sốt ảo bất thường lên 55 triệu đồng/m2 diện tích nhỏ và 45 triệu đồng/m2 diện tích lớn, đường lớn cách đây chưa lâu, thì hiện nay giá chào chỉ còn khoảng 35-40 triệu đồng/m2. Tương tự, liền kề dự án Nam An Khánh cũng giảm về quanh mức 30-40 triệu đồng tùy vị trí.

DiaOcOnline.vn - Theo VEF