Dù tình trạng lấy đất nông nghiệp phục vụ sân golf, khu công nghiệp… khiến hàng triệu nông dân rơi vào cảnh thất nghiệp vẫn chưa tìm ra lời giải thích chính đáng, song, việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ cho mục đích trên vẫn cứ tiếp diễn tại hầu hết các địa phương.
Đến thời điểm hiện nay, cả nước chỉ còn có hơn 9 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có trên 4 triệu ha đất trồng lúa, và diện tích này vẫn đang giảm một cách nhanh chóng. Theo đó, trung bình mỗi năm, người nông dân phải nhường 74.000ha đất nông nghiệp để xây dựng các công trình nhà ở, đô thị và khu công nghiệp. Tốc độ mất đất nông nghiệp do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu hiện nay là 1%. Với đà này, theo nhận định của các chuyên gia, đến năm 2020 sản lượng lúa của Việt Nam chỉ còn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước, chứ không còn khả năng xuất khẩu.
Trong đó, nan giải nhất là việc thu hồi đất nông nghiệp để phục vụ sân golf. Song, có tới 40% đất trong số các dự án triển khai làm sân golf lại được dùng để kinh doanh bất động sản. Trong tổng số hơn 23.000ha của 76 dự án sân golf đã và đang triển khai trong cả nước, có tới 8.000ha đất (chiếm 40%) để kinh doanh bất động sản, biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng... Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thực chất hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “đính kèm” bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến.
Ví dụ, trong tổng diện tích 4.200ha đất của 9 dự án sân golf đang triển khai tại Lâm Đồng, chỉ có 20% diện tích được dành cho sân golf, phần còn lại chủ yếu được sử dụng xây nhà nghỉ, biệt thự cao cấp để bán và cho thuê. Năm 2003, dự án sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cấp phép với diện tích 137ha. Chủ đầu tư đã dùng tới quá nửa diện tích (90ha) làm biệt thự, chia thành 290 lô đất rao bán ngay sau khi sân golf Tam Đảo đi vào hoạt động...
Trước tình trạng mất đất nông nghiệp vẫn tiếp tục tái diễn, các chuyên gia cho rằng, một trong những vấn đề đảm bảo an ninh lương thực trong nước là chúng ta phải nghĩ đến quy hoạch đất cho sản xuất nông nghiệp trước khi nghĩ đến đất cho khu công nghiệp và đô thị. Dù nông nghiệp đóng góp vào GDP hàng năm không thể so sánh với công nghiệp, song, 70% dân số nước ta vẫn đang phải sống nhờ vào nông nghiệp và đặc biệt, trong các cuộc suy thoái kinh tế, nông nghiệp luôn tỏ ra là trụ đứng vực nền kinh tế đi lên.
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô