Theo thông tin từ một số sàn giao dịch BĐS, giá đất tại nhiều dự án ở Hà Nội đã giảm từ 15-30%, thậm chí có những dự án giảm tới 50% nhưng vẫn không có khách mua.
Hiện giá đất nền đã giảm 50% nhưng vẫn ế ẩm. Ảnh minh họa. nguồn internet.
Giao dịch “bất động”
Nhiều tháng nay, thị trường BĐS giao dịch ảm đảm ở hầu hết các phân khúc. Cộng với mức lãi suất cao ngất ngưởng khiến nhiều doanh nghiệp và các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn phải liên tiếp giảm giá để “bán tháo:, “bán non” dự án mà khách hàng vẫn thờ ơ.
Một số dự án sốt “sình sịch” một thời như: Kim Chung – Di Trạch, dự án Thanh Hà (Cienco5), một số dự án dọc quốc lộ 32 (Hoài Đức) đã giảm từ 10 – 20 triệu đồng mỗi mét vuông.
Mới đây, CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) đã công bố giá bán đất biệt thự dự án Bắc Quốc lộ 32 (Thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức ) là 33 triệu đồng/m2, so với giá thị trường hồi đầu năm giảm khoảng 35-40%.
Với mức giá bán này so với thời điểm đầu năm 2011 khi thị trường đất nền khu vực phía Tây vẫn còn "nóng" thì đến nay giảm mất khoảng 35 - 40%. Giá chào bán trung bình trên thị trường đất biệt thự dự án có thời điểm lên đến 50 - 60 triệu đồng/m; giá đất dự án Kim Chung - Di Trạch hiện giảm xuống chỉ còn khoảng 30- 35 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Không khí ảm đạm cũng đang diễn ra tại các dự án dọc Đại lộ Thăng Long. Theo các nhân viên môi giới tại khu vực này hiện giá đất dự án Geleximco khoảng 40 – 45 triệu/m2; Giá đất nền thuộc dự án Nam An Khánh giao dịch ở quanh mức 30 – 40 triệu/m2.
Theo giới đầu tư, những dự án có mức giá gốc rẻ luôn là điểm hấp dẫn bởi giới đầu tư có thể dễ dàng đẩy lên được mức cao gấp 3-4 lần. Điều này đã được chứng minh khi nhiều dãy liền kề thuộc dự án này tại thời điểm thị trường tốt giá cũng đã lên đến 43-45 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại giá đất tại dự án này chỉ còn 24-25 triệu đồng/m2.
Lý giải việc nhiều dự án có mức giảm mạnh chỉ trong một thời gian ngắn, các nhà đầu tư cho rằng, tại các dự án khu đô thị đã hoàn thiện và đang trong giai đoạn bàn giao nhà, thì giá giảm sẽ không đáng kế. Dự án có giá giảm quá sâu chỉ rơi vào những trường hợp được bán khi chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý khiến nhà đầu tư e ngại khi “đổ” tiền vào.
“Những dự án đã hoàn thành, khách hàng có thể đưa vào khai thác, sử dụng trong khi những dự án còn dang dở thì không biết bao giờ chủ đầu tư mới tiếp tục triển khai được, hoặc không biết bao giờ nhà đầu tư mới có thể khai thác. Do vậy, việc họ đắn đo cân nhắc đầu tư vào những dự án như vậy là điều dễ hiểu”, - anh Vũ Tuấn, một nhà đầu tư nhận định.
Không còn là “của để dành”
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, kinh doanh hay đầu tư vào phân khúc đất nền là xu hướng có nhiều ưu thế, an toàn vì vốn bỏ ra không nhiều nhưng cơ hội sinh lời cao. Theo quan điểm của nhà đầu tư, nếu so sánh giữa đầu tư vào đất nền với mua biệt thự, căn hộ hay nhà phố, thì đầu tư vào đất nền vẫn có lời hơn, bởi ít tốn chi phí, lại thu lợi nhanh.
Nhưng trong vài tháng trở lại đây, một số chủ đầu tư đã tỏ ra lo ngại. Việc đầu tư vào phân khúc này chỉ là hình thức “đón sóng” từ những thông tin mở rộng thành phố, khởi động các tuyến vành đai, đường cao tốc, quy hoạch khu đô thị hoặc vùng ven… Mà những thông tin này chỉ là thông tin “rỉ tai” chứ không có căn cứ chính xác.
Thêm nữa, đầu tư phân khúc này vốn đọng ở dự án quá lâu, tiến độ dự án và những cam kết khác phụ thuộc quá nhiều vào chủ đầu tư. Mặt khác, phân tích thị trường hiện nay sẽ thấy, khách hàng BĐS được phân chia theo tỷ lệ: 25% có nhu cầu thực (mua nhà để ở), 50% đầu tư (có thể mua để bán lại hoặc cho thuê) và 25% còn lại là mạo hiểm (theo dạng “lướt sóng”).
Mặc dù đất nền luôn được xem là kênh đầu tư ưa thích và an toàn của giới địa ốc trong những năm gần đây, do nó đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, năm 2011 mảng phân khúc này không còn là kênh đầu tư hiệu quả, thậm chí nhiều nhà đầu tư đã “lãnh đủ” khi bong bóng đất nền xì hơi tại nhiều khu vực trong thời gian qua.
DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn