Top

Dân khổ vì chờ… đền bù

Cập nhật 20/05/2008 09:00

Nhà đất không được đền bù mà cũng không được mua bán, giao dịch. Tình trạng này đang diễn ra ở nhiều dự án đã có quyết định giao đất nhưng chủ đầu tư chậm hoặc không triển khai đền bù. Nhiều năm nay các cơ quan liên quan vẫn chưa có hướng tháo gỡ, khiến quyền lợi của người dân bị "treo".

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh, TP.HCM cho biết hiện trên địa bàn huyện khá nhiều dự án đã có quyết định thu hồi đất nhiều năm rồi nhưng chưa triển khai hoặc chưa đền bù xong. Điển hình tại các xã Bình Hưng, Phong Phú, An Phú Tây có hàng trăm hecta đất bị thu hồi làm dự án từ nhiều năm qua (thuộc khu qui hoạch 2.600ha khu Nam Sài Gòn), liên quan đến hàng ngàn hộ dân…

Theo qui định của UBND TP.HCM, nhà đất tại các khu vực trên không được giao dịch, mua bán. Nhưng thực tế các văn bản của pháp luật về đất đai hiện nay không qui định hạn chế việc thực hiện các quyền của người sử dụng nhà, đất có giấy tờ hợp lệ trong khu vực đã có quyết định thu hồi để làm dự án.

Trên và dưới vênh nhau

Vừa qua, UBND huyện Bình Chánh đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM cho phép người dân có nhà ở tại các khu qui hoạch, có quyết định thu hồi đất được phép chuyển nhượng với điều kiện: nhà đó đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu và bên mua biết rõ tình trạng qui hoạch của nhà, đất đó. UBND huyện Bình Chánh dẫn chứng: Luật nhà ở qui định chỉ cần  nhà ở có giấy chứng nhận, không tranh chấp, không bị kê biên…thì được giao dịch.

Tương tự Luật đất đai năm 2003 và nghị định 181 (hướng dẫn thi hành Luật đất đai) chưa đề cập cũng như cấm đối với trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) trong khu vực đã có quyết định thu hồi đất mà người dân chưa nhận tiền đền bù.

Trong khi đó, công văn 2097 của UBND TP (về việc chuyển nhượng QSDĐ trong khu vực đã có quyết định giao đất cho chủ đầu tư để thực hiện dự án) và các văn bản liên quan thì qui định: giữ nguyên hiện trạng, không xét cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, QSDĐ…; UBND quận huyện, phường xã không giải quyết chuyển nhượng QSDĐ tại các khu vực đã có quyết định thu hồi đất.

Sở Tư pháp cho rằng hiện còn những điểm chưa thống nhất giữa qui định của TP và Luật đất đai, cũng như các qui định liên quan đối với đất nằm trong  khu qui hoạch. Điều này gây vướng mắc, lúng túng cho các cơ quan công chứng khi thực hiện công chứng, chứng thực hoặc đăng ký các hợp đồng, giao dịch… cho người dân. Sở Tư pháp cho biết đang rà soát lại các qui định về đất đai của trung ương và TP để đề xuất hướng giải quyết.

Luật sư Huỳnh Văn Nông (Công ty luật TNHH Sài Gòn Luật):
Hiện ở TP.HCM có nhiều dự án đã có quyết định thu hồi đất và tạm giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, hầu hết các quyết định thu hồi đất này đều thực hiện trước ngày 1-7-2004 (ngày Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực). Nhưng đến nay một số dự án chưa được triển khai đúng tiến độ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người sử dụng đất bị thu hồi. Để đảm bảo quyền lợi người dân, UBND TP phải áp dụng khoản 12 điều 38 Luật đất đai năm 2003 để thu hồi đất các dự án mà chủ đầu tư không sử dụng trong 12 tháng liền, hoặc các dự án mà chủ đầu tư chậm sử dụng đất trong 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án.



Có trái luật?

Ông Trần Quốc Tuấn, trưởng Phòng TN-MT quận Tân Bình, nói khi đất đã có quyết định thu hồi thì đã thuộc về đơn vị được giao, người dân không còn QSDĐ đó nên không thể chuyển nhượng cho người khác mà chỉ chờ đền bù. Nếu cho chuyển nhượng là sai qui định. Giáo sư tiến sĩ Đặng Hùng Võ cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng không thể chuyển nhượng đất khi đất đã bị thu hồi.

Cũng theo ông Võ, đất đã có quyết định thu hồi mà chủ đầu tư không đền bù, để kéo dài từ năm này qua năm khác rõ ràng là các chủ đầu tư đang gây khó cho dân. Nhưng cách giải quyết vấn đề này trong tầm tay của TP. Nếu vì lý do chủ đầu tư thiếu năng lực thì TP có thể thu hồi ngay quyết định, giao đất cho chủ đầu tư khác có khả năng làm dự án. Trong trường hợp qui hoạch không còn khả thi thì nên điều chỉnh, tháo "treo" cho người dân.

Tuy nhiên để giải quyết quyền lợi cho dân, trong văn bản kiến nghị gửi Bộ TN-MT, Sở TN-MT đề nghị nên có cơ chế kiểm soát chặt chẽ tiến trình thực hiện công tác bồi thường để không kéo dài, gây thiệt hại cho quyền lợi hợp pháp của người dân. Mặt khác, cần giải quyết những nhu cầu cấp thiết phát sinh trong thời gian người sử dụng đất chờ đền bù (người dân cần tiền để chữa bệnh, lo cho con cái đi học…) bằng cách cho người dân được bán "quyền được đền bù” một cách hợp pháp để giải quyết nhu cầu bức xúc chính đáng của người dân. Đây cũng là cách nhằm hạn chế tình trạng bán giấy tay với nhau, tránh xảy ra khiếu kiện (do phát sinh từ chuyện mua bán giấy tay với nhau).