Người dân sống trong các tòa chung cư được quảng bá là cao cấp ở TP HCM đang méo mặt với những khoản phí quản lý, dịch vụ... cao ngất ngưởng, không theo bất cứ quy định nào.
Chủ căn hộ BA 2-2, chung cư B1-04, khu phố Mỹ Khánh 4, quận 7, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, ông Đỗ Tế Giang liệt kê các khoản chi đắt đỏ: điện 0,09 USD một kWh, nước 6.000 đồng một m3 (giá bên ngoài 4.000 đồng một m3), phí dịch vụ truyền hình cáp 360.000 đồng mỗi tháng trong khi nhà dân bình thường chỉ trả 60.000 đồng mỗi tháng... Đó là chưa kể đến phí quản lý. Người đàn ông này nói: "Không lẽ ở chung cư cao cấp thì phí cũng chót vót 'trên trời' hay sao?".
Mức phí quản lý tại các tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (khu đô thị kiểu mẫu của Việt Nam) hiện nay dao động từ 160.000 đến 620.000 đồng một căn hộ một tháng tùy khu vực và tiện ích.
Một trường hợp khác, ông Nguyễn Xuân Nguyên cùng người nhà ngụ tại 2 căn hộ 1808-1809 cao ốc Tản Đà (quận 5) đang khó xử với các chi phí trong căn hộ chung cư cao cấp mình trót mua. "Chỉ tính riêng tiền nước sinh hoạt có đơn giá 11.000 đồng mỗi m3, trung bình hằng tháng nhà tôi phải đóng gần 1 triệu đồng nước sinh hoạt cho 2 hộ, cứ như ở khách sạn", ông Nguyên bức xúc.
Khách hàng mua căn hộ trong dự án Saigon Pearl, phường 22, quận Bình Thạnh, cũng phải điên đầu khi chủ đầu tư nâng mức phí chung cư lên so với thỏa thuận ban đầu. Trong hợp đồng giữa Saigon Pearl ký với khách mua căn hộ, mức phí quản lý được đề xuất "tạm" là 0,3 USD mỗi m2 một tháng. Tuy nhiên, hiện nay chi phí này đã được "lập trình" nâng lên theo thời giá thị trường thành 1 USD mỗi m2 một tháng.
Theo anh Thắng, chủ căn hộ Ruby 1208, hạ tầng của dự án vẫn còn bề bộn, nhà xe chưa làm xong, mới chỉ có một trên tổng số 8 thang máy hoạt động. Chất lượng phục vụ chưa thấy nâng lên, cư dân còn chưa kịp hài lòng, vậy mà phí đã vội vàng leo thang.
Phí chung cư cao cấp cao vút tận trời xanh. Ảnh: Đức Quang
Ban quản lý chung cư Hoàng Anh 2 ở phường Tân Phong, quận 7, vừa đề xuất khung giá phí quản lý đã nhận lại đòn phản công dồn dập của các hộ dân cho rằng mức phí chưa hợp lý. Lý do, chủ đầu tư đã đơn phương chào mức phí quản lý mà không tiếp nhận ý kiến phản hồi của các hộ dân, khiến họ năm lần bảy lượt tìm gặp chủ đầu tư để đòi quyền tự quyết các khoản phí.
"Chúng tôi là chủ sở hữu hợp pháp nhưng không cảm thấy đây chính là nhà của mình vì phải đóng phí quá cao", bà Oanh, chủ căn hộ A1305 chung cư Hoàng Anh Gia Lai 2 bày tỏ.
Theo khảo sát của bà Oanh, hiện phí tại các chung cư có dịch vụ tương đương với Hoàng Anh Gia Lai 2, nhưng rẻ hơn rất nhiều. Cụ thể, bình quân phí quản lý 178.000 đồng một căn hộ mỗi tháng, gửi giữ xe hơi 300.000 đồng một chiếc mỗi tháng, có nơi cho cả xe máy và khách đến chơi. Trong khi đó, tại Hoàng Anh 2, mức phí đối với xe hơi là 600.000 đồng, xe máy là 60.000 đồng một xe mỗi tháng.
Ngoài ra, các hộ dân tại đây còn phải đóng thêm khoản phí bảo vệ, điện chiếu sáng, nước tưới cây, nước sinh hoạt, nước hồ bơi, thang máy, đổ rác, nhân viên bảo trì, nhân viên chăm sóc khách hàng, hệ thống cứu hỏa… từ 300.000 đến 550.000 đồng mỗi hộ một tháng, tùy diện tích căn hộ.
Mặc dù khách hàng kêu trời vì kham không nổi mức phí chót vót ở chung cư nhưng chủ đầu tư và đơn vị quản lý cho rằng mình thu phí hoàn toàn hợp lý.
Theo Giám đốc Tiếp thị II Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, Trương Quốc Hưng, với giá điện và nước đang áp dụng thì nhiều năm qua, chủ đầu tư vẫn phải bù lỗ. Riêng truyền hình cáp, mức phí mà khách hàng phản ánh cần được xem xét lại vì nếu sử dụng nhiều TV thì đương nhiên sẽ phải trả cao hơn bình thường.
Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Việt Chi Hưng Nguyễn Việt Chi, cho rằng, chủ đầu tư đã nỗ lực giữ mức phí này ổn định và thấp nhất cho cư dân Tản Đà.
Riêng đại diện Saigon Pearl giải thích mức phí quản lý tăng lên là do đơn vị tư vấn, quản lý Savills đề xuất theo khung giá thị trường. Chi phí quản lý 1 USD mỗi m2 một tháng chỉ thu khi nào tòa nhà hoàn thiện, trong trường hợp thu trước sẽ khấu trừ dần vào các tháng sau đó.
Giám đốc Công ty Hoàng Anh Gia Lai Lê Hùng xoa dịu xung đột với khách hàng bằng biện pháp triệu tập một cuộc họp chính thức với ban đại diện các hộ dân chung cư Hoàng Anh 2 vào ngày 20/3 để lắng nghe ý kiến của khách hàng về việc này. Ông Hùng khẳng định, việc ấn định mức phí trên chỉ mới được công ty đưa ra lấy ý kiến chứ chưa áp dụng.
Trao đổi với VnExpress.net sáng 17/3, ông Hùng giải thích việc chưa đả động gì đến việc triệu tập hội nghị nhà chung cư để bầu ra ban quản trị, vì HAGL phải bảo hành tòa nhà 1 năm, bảo trì kết cấu chung cư đến 5 năm nên phải thành lập công ty con để quản lý cho “chắc ăn”.
Hiện tượng phổ biến hiện nay là chủ đầu tư tự "đẻ" ra một công ty con làm đơn vị quản lý tòa nhà. Thậm chí, đơn vị quản lý này còn “vô hiệu hóa” hoặc bỏ qua vai trò của ban quản trị rồi tận thu các khoản chi phí mà không minh bạch tài chính cho khách hàng hiểu. Những xung đột ngầm này đang ngày một phổ biến do các văn bản pháp luật chưa cụ thể hóa những vấn đề này và còn xa rời thực tế.
Theo thông tư 09 do Bộ Xây dựng ban hành ngày 25/2, trong hợp đồng mua bán căn hộ chung cư phải nêu rõ mức phí phải đóng dùng cho công tác quản lý, vận hành nhà tòa nhà. Mức phí này không vượt quá khung giá trần do UBND tỉnh, thành phố quy định. Tuy nhiên, hiện TP HCM chưa có văn bản quy định khung phí quản lý chung cư trên địa bàn. Mặt khác, cách phân hạng chung cư của Bộ Xây dựng không có hậu kiểm. Từ đó, chủ đầu tư nào cũng thoải mái hô hào tòa nhà của mình cao cấp (được hiểu là chung cư hạng 1), không ai chịu nhận là chung cư hạng 3, hạng 4. Vì thế, hiện mức phí quản lý vẫn đang bị thu tùy tiện theo lý lẽ riêng của chủ đầu tư và thiếu khâu công khai tài chính.
>Hà Nội quyết dẹp loạn phí chung cư
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress