Từ năm 2004, hơn 7,2ha đất trồng lúa của dân đã bị thu hồi để làm bến xe tĩnh, nhưng đến nay vẫn không thực hiện khiến cỏ dại mọc lút, chuột bọ sinh sôi, ô nhiễm môi trường.
Còn dọc tuyến đường Phan Trọng Tuệ (đường 70 cũ), ngày nào cũng xảy ra ùn tắc kéo dài, do cầu Bươu và cầu Tó vừa hẹp, vừa xuống cấp nhưng TP cũng không nâng cấp, xây cầu mới. Đó là 3 dự án (cách nhau 700 mét) gây bức xúc dân sinh nhất trên địa bàn huyện Thanh Trì hiện nay.
Thu hồi đất để cỏ dại mọc
Tiếp xúc với chúng tôi, bà Lê Thị Vượng - Bí thư chi bộ thôn Văn, xã Thanh Liệt - chua xót: "Dân thôn chúng tôi đều làm lúa nước. Khi TP thu hồi đất và đền bù với giá 183.000đ/m2, chúng tôi đã chấp hành vì đây là công trình công cộng. Tuy nhiên, suốt những năm qua, chủ đầu tư không sử dụng khiến đất bị bỏ hoang hoá (ảnh 1), còn dân thì không có đất làm mùa. Thật lãng phí, không thể chấp nhận".
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thực - Trưởng CA xã Thanh Liệt - cho biết: "Xã được biết TP đã yêu cầu chủ đầu tư là Tổng Cty Vận tải HN triển khai dự án từ hơn 1 năm trước, nhưng dự án vẫn "treo". Nếu còn tiếp tục bỏ hoang, tôi nghĩ TP cần kiên quyết thu hồi".
Cầu yếu vẫn... sử dụng
Một cán bộ huyện Thanh Trì cho biết, trong giao ban 197, lần nào huyện cũng đề xuất với TP lên kế hoạch sửa hoặc xây cầu mới, bởi cả hai cây cầu Bươu và cầu Tó trên quốc lộ 70 - thuộc địa bàn xã Thanh Liệt (hiện là đường Phan Trọng Tuệ) đang bị xuống cấp nghiêm trọng, nhưng kiến nghị cũng đã đến 5 năm mà vẫn bị rơi vào quên lãng.
Ảnh 2.
Theo ghi nhận của chúng tôi, cây cầu Tó chỉ rộng chừng hơn 3m và được đặt tạm bằng những tấm sắt (ảnh 2), nhưng đều đã gỉ sét, thậm chí có chỗ mối nối đã đứt lìa. Tại phần đường dành cho xe máy thì rộng chưa đầy 1m, võng sâu sát mặt nước. Về đêm, tại khu vực này không có hệ thống đèn đường nên nguy cơ tai nạn rất cao. Cây cầu Bươu cũng đang diễn ra tình trạng tương tự.
Trung tá Tạc - Đội phó Đội CSGT CA huyện Thanh Trì - cho biết, cả 2 cây cầu đều yếu như vậy, nhưng mỗi ngày nó đang phải gánh hàng ngàn lượt xe qua lại, trong đó chủ yếu là xe siêu trường, siêu trọng, bởi đây là tuyến đường huyết mạch từ Hà Đông qua Văn Điển ra quốc lộ 1A. "Mỗi ngày vào giờ cao điểm, CA huyện phải bố trí 6 cán bộ, chiến sĩ phân luồng. Và chỉ cần không có CSGT là lập tức tắc tới tận Hà Đông" - trung tá Tạc khẳng định.
Trước thực trạng này, được biết, Sở GTVT Hà Nội cũng mới chỉ lên kế hoạch xây dựng cầu Bươu. Theo đó, dự kiến tháng 7.2008 sẽ khởi công và đưa vào sử dụng sau 90 ngày thi công. Phương án xây cầu được lựa chọn là cầu bêtông cốt thép, dưới cầu được đặt các cống bản với kích thước cống là 3x3m, chiều dài thân cống là 28,2m.
Cầu dài 30m, rộng 10,5m, gồm 2 làn cho xe cơ giới và 2 làn đường dành cho người đi bộ. Vị trí thi công cầu được lựa chọn là phần bên phải cầu cũ (hướng Hà Đông đi Văn Điển), bởi phần đất này không phải GPMB, đồng thời vẫn duy trì cầu cũ để các phương tiện tiếp tục qua lại, tránh ùn tắc giao thông khi thi công cầu mới. Hiện đang chuẩn bị tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công cầu.
Còn cầu Tó vẫn chưa có kế hoạch sửa chữa, xây mới, khiến giao thông dọc tuyến luôn xảy ra ùn tắc. "Chúng tôi hy vọng cầu Bươu sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đồng thời TP cũng khẩn trương lên kế hoạch xây mới cầu Tó" - trung tá Tạc đề xuất.
Theo Lao Động