Nhiều năm nay, thị trường BĐS Việt Nam chứng kiến cuộc đổ bộ của các đại gia BĐS Hàn Quốc, Nhật Bản... Các nhà đầu tư ngoại này không ngừng mở rộng các dự án BĐS ở VN. Tuy nhiên, không phải đại gia nào cũng gặt hái thành công.
Tính đến cuối tháng 6/2013, đã có 400 triệu USD "tiền tươi thóc thật" được rót vào Dự án Lotte Center Hà Nội. Năm năm trước, Lotte đã mua lại Dự án Lotte Center Hà Nội từ tập đoàn Daewoo, khi đó còn được biết đến với tên gọi là Coralis.
Trước đó, Lotte đã thâu tóm thành công Trung tâm thương mại Mipec rộng 20.000m2 tại Tây Sơn, Hà Nội. Trong Nam, Lotte đã thuê lại toàn bộ trung tâm thương mại lớn mang tên Pico Plaza, tại số 20 đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, Tp.HCM. Tuy nhiên, nhiều trung tâm thương mại đang ế ẩm với nguồn cung khổng lồ, áp lực về bán lẻ của đơn vị này không hề nhỏ.
Nhiều dự án BĐS lớn mang dấu ấn Hàn Quốc tại Việt Nam
|
Đến từ Hàn Quốc, Keangnam nắm giữ kỷ lục về tòa nhà cao nhất Việt Nam. Chủ sở hữu tòa tháp cao nhất Đông Dương này tiết lộ đã chi tới 1,05 tỉ USD để xây dựng nó. Ngoài ra, thời gian thi công mất 50 tháng, sử dụng 3.500 lao động và 100 nhà thầu để kịp hoàn thành vào năm 2011.
Cũng đến từ xử sở kim chi, có thể kể tên nhiều nhà đầu tư đang phát triển hàng loạt dự án BĐS như Huyndai, Ypung,...
Năm 2012, nhà đầu tư Nhật đã khuấy động thị trường BĐS trong nước khi tổ chức khởi công xây Khu đô thị Tokyu Bình Dương với quy mô gần 71,5 ha bao gồm khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại, văn phòng... Đây là dự án mang tính đột phá trong lĩnh vực bất động sản và là dự án khu đô thị lớn nhất có vốn đầu tư khủng 1,2 tỷ USD.
Tokyu là tập đoàn nổi tiếng của Nhật Bản trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, khách sạn... với 243 công ty con và hơn 70.000 nhân viên, doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ USD.
Danh sách các dự án tỷ đô trong lĩnh vực bất động sản còn có Dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) của Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản), với vốn đầu tư 1 tỷ USD, khởi động từ tháng 3/2012. Đây là hai dự án đầu tư vào bất động sản có số vốn lớn nhất từ trước đến nay được thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Không ít đại gia "âm thầm" rút lui
Sự khó khăn của các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài khi chinh phục thị trường Hà Nội là điều đã được báo trước khi Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) xin rút lui khỏi Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao - trung tâm thương mại 5 sao tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hồi năm 2009.
Một dự án bất động sản lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác là Tổ hợp chung cư Booyoung Vina (Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng nằm bất động, dù được cấp phép từ nhiều năm nay. Bị UBND TP. Hà Nội nhắc nhở nhiều lần về tiến độ triển khai, nhưng dường như Tập đoàn Booyoung (Hàn Quốc) - chủ đầu tư - cũng bất lực với công trình có số đầu tư lên đến 171 triệu USD này.
Trung tâm thương mại Grand Plaza, thuộc tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại do Chamvit (Hàn Quốc) cũng phải tạm đóng cửa để tái cơ cấu. Sau thời gian hoạt động, tình trạng kinh doanh ế ẩm đã khiến các gian hàng ngưng hoạt động, thời gian mở cửa trở lại vẫn là một câu hỏi lớn.
Dự án Spendora cũng gặp trục trặc khi công ty trong nước là Vinaconex đang đòi rút vốn. Dự án do Tổng Công ty Vinaconex và Công ty Posco E&C của Hàn Quốc góp vốn đầu tư là 2,57 tỷ USD, trong đó An Khánh JVC là đại diện pháp nhân do hai bên lập ra để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới này
Ở phía Nam, Công ty TNHH Phát triển GS Củ Chi (GSCD) thuộc Tập đoàn GS Engineering & Construction Corp (GS E&C) đã phải bán lại dự án của mình cho công ty trong nước với giá khoảng 24 triệu USD.
Nhà đầu tư Trung Quốc đang “thâu tóm” bất động sản Việt Nam?
Mới đây, một đại gia địa ốc người Trung Quốc vừa xúc tiến đàm phán mua hơn 70% cổ phần của một dự án bất động sản du lịch có vốn đầu tư gần 2 tỷ USD tại tỉnh giáp ranh Tp.HCM.
Được biết, bên mua đã mất thời gian dài thẩm định hồ sơ, tìm hiểu kỹ tình hình tài chính của chủ dự án. Tuy nhiên do nhận thấy tham vọng thâu tóm của đối tác quá lớn, chủ đầu tư đã từ chối dù đang gặp khó khăn về tài chính.
Có khá nhiều quỹ đầu tư từ Hong Kong, Trung Quốc hậu thuẫn vốn đằng sau đại gia địa ốc gốc Hoa nêu trên. Hai năm qua, đơn vị này đã thu gom khá nhiều dự án có vị trí đắc địa tại khu vực quận 1, Tp.HCM. Trước đó, có một khu đất vàng thuộc địa bàn quận 5 đã được doanh nghiệp này mua bằng tiền mặt với giá hàng nghìn tỷ đồng.
Giữa quý II, một quỹ đầu tư bất động sản đến từ Hong Kong chào bán biệt thự tại quận 2, cũng tiết lộ kế hoạch săn đất sạch ở khu trung tâm Sài Gòn để phát triển dự án. Đại diện quỹ đầu tư này cho biết đã xúc tiến đầu tư vào một dự án tại Hạ Long (Quảng Ninh).
Bên lề Đại hội cổ đông thường niên năm 2014, Phó Tổng Giám đốc một công ty bất động sản cao cấp (quận 7, Tp.HCM) đang có giá trị hàng tồn kho hơn 5.000 tỷ đồng tiết lộ: "Đã có một tập đoàn đầu tư bất động sản lớn của Trung Quốc có vốn tỷ USD xúc tiến đàm phán M&A một dự án của chúng tôi. Đôi bên đã gặp gỡ nhiều lần và bước vào vòng đàm phán thứ hai".
Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng thành công của thương vụ trên, vị này cho hay vẫn còn quá sớm để dự đoán kết quả, bởi lẽ doanh nghiệp rất cẩn trọng với chiến lược thâu tóm của khối ngoại, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc.
Trong một báo cáo kết quả nghiên cứu thị trường hồi đầu năm 2014, CBRE Việt Nam cho biết ở khu vực miền Trung (Việt Nam), một số nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu lộ diện. Các nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Trung Quốc đang có chung khẩu vị là đều ngấp nghé nhiều dự án nghỉ dưỡng kèm theo loại hình kinh doanh giải trí ở Đà Nẵng.
Theo chuyên gia của Công ty tư vấn Hội nhập toàn cầu (GIBC), Huỳnh Phước Nghĩa, câu chuyện thâu tóm bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc đang là chủ đề nóng bỏng tại các nước Anh, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong gần một thập niên qua, dòng tiền của giới nhà giàu Trung Quốc, của các tập đoàn lớn từ Đại Lục hoặc ít nhiều có liên quan đến gốc Hoa đang chảy mạnh vào bất động sản ở khắp nơi trên thế giới.
"Cái bóng của nhà đầu tư Trung Quốc đang xuất hiện mọi nơi, đặc biệt ghi dấu ấn sâu đậm trong ngành bất động sản", ông Nghĩa nhận xét. Họ có chiến thuật thông qua các tập đoàn môi giới quy mô lớn để tiếp cận dự án một cách khéo léo. Việc nhà đầu tư Trung Quốc hay gốc Hoa âm thầm săn lùng các dự án bất động sản tại Việt Nam cũng nằm trong quỹ đạo đó.
Chuyên gia này cho biết, ở các nước có thị trường bất động sản phát triển, dòng vốn của nhà đầu tư Trung Quốc rót vào thị trường địa ốc đã được cảnh báo vài năm nay. Theo ông Nghĩa, qua quan sát và ghi nhận từ những đối tác, các nhà đầu tư Trung Quốc không thuần túy thâu tóm bất động sản. Họ thấu hiểu tình hình khó khăn hiện tại của doanh nghiệp bất động sản Việt Nam và ngã giá dự án như đồ "đồng nát". Họ cũng rất "ma ranh" trong việc ép giá sao cho càng rẻ càng tốt. Có thể chính vì cách tiếp cận này mà các chủ đầu tư Việt Nam cũng rất cẩn trọng trước những thương vụ M&A với DN Trung Quốc.
Mặc dù thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn nhưng báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho thấy, các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc đang có kế hoạch phát triển các dự án BĐS tại VN thông qua các hoạt động M&A (sáp nhập và thâu tóm).
Theo nhận định của ông Neil MacGregor, Giám đốc Savills Việt Nam, thời gian vừa qua, thị trường BĐS đã có những dấu hiệu phục hồi rất đáng khích lệ. Trong khi thị trường bất động sản Việt Nam chạm "đáy" của chu kỳ phát triển thì nhiều thị trường khác ở châu Á đang nằm trên đỉnh. Trong vài năm tới, các thị trường đó có thể sẽ "giảm nhiệt", nhờ đó, BĐS Việt Nam có cơ hội thu hút các nhà đầu tư muốn tận dụng giai đoạn phục hồi của thị trường trong nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng