Top

Đà Nẵng: Giữ nguyên khung giá đất năm 2010 liệu có hợp lý?

Cập nhật 06/12/2010 08:45

Đà Nẵng giữ nguyên giá đất năm 2011 so với năm 2010 dù thực tế giá đất đã tăng 30%-40% so với đầu năm 2010.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương, phương án ban hành giá đất năm 2011 đã được HĐND TP thông qua với khung giá giữ nguyên như năm 2010. Nguyên nhân: “Do giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên địa bàn trong năm 2010 không có biến động nhiều, cơ bản tương ứng với thị trường năm 2009!”.

Có biến động hay không?

Trong khi đó, ông Đàm Quang Việt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đức Mạnh, một nhà đầu tư kinh doanh bất động sản ở Đà Nẵng, cho biết mặt bằng giá đất thị trường ở cả nội lẫn ngoại thành cuối năm 2010 tăng 30%-40% so với đầu năm nhưng sức mua không giảm. Đơn cử giá đất tái định cư ven biển 7-8 triệu tăng lên 15-16 triệu đồng/m2.

Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh khi phát biểu trước HĐND TP cũng cho biết từ sau đợt thi pháo hoa hồi tháng 3-2010, giá đất ở Đà Nẵng vọt lên 30%-40%. Điều đó cho thấy giá đất Đà Nẵng năm 2010 không phải “không có biến động nhiều”. Mặt bằng giá thị trường năm 2010 cũng không “cơ bản tương ứng với thị trường năm 2009” như UBND TP Đà Nẵng nhận định.

Một lý do khác được UBND TP Đà Nẵng đưa ra là trong năm 2010, TP đã triển khai và còn tiếp tục thực hiện sang năm 2011 các dự án bồi thường giải tỏa trọng điểm. Vì vậy cần ổn định giá bồi thường và giá đất tái định cư để không gây tâm lý xáo trộn.


Giá đất thị trường trên đường Lê Duẩn 90-100 triệu đồng/ m2 nhưng mức giá đất do UBND TP Đà Nẵng ban hành chỉ 25,2 triệu đồng/m2. Ảnh: diaoconline.com

Tuy nhiên, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Quang Nga không đồng tình: “Nhân dân phản đối miết mà vẫn để giá đất năm 2011 như năm 2010 là không đúng. Đất bố trí cho công trình an ninh quốc phòng, phúc lợi xã hội… chúng ta thu hồi sòng phẳng, dân chấp hành. Nhưng đất thu hồi cho các dự án cũng không thực hiện đúng tinh thần Nghị định 69/CP là phải thỏa thuận về giá, bố trí tái định cư… Mình đừng lợi dụng lòng tốt của dân để làm như thế kéo dài!”.

Quá chênh lệch so với giá thị trường

Trước đó, theo chỉ đạo của TAND Tối cao về tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003, TAND TP Đà Nẵng đã có báo cáo ngày 8-11 nêu rõ giá đất do UBND TP công bố để tính thuế sử dụng đất (SDĐ) và bồi thường thu hồi đất luôn thấp hơn hẳn giá thị trường. Vì vậy khi thu hồi đất thực hiện các dự án đầu tư thì việc bồi thường theo giá nhà nước gây thiệt thòi cho người SDĐ. Đây là một trong những lý do dẫn tới khiếu nại về đất đai gia tăng.

Để hiểu rõ thêm, chúng tôi đã tìm hiểu ở các sàn giao dịch bất động sản lớn như Cường Hưng Thịnh, Thiên Kim, Á Châu… và tham khảo thêm các ngân hàng Eximbank, NN&PTNT… Qua đó cho thấy chênh lệch giữa giá đất mặt tiền do UBND TP Đà Nẵng ban hành so với giá thị trường ở bốn tuyến đường “vàng” thuộc khu vực giải tỏa sân vận động Chi Lăng để xây khu phức hợp thương mại như sau: Hùng Vương 25,2 triệu đồng/100-120 triệu đồng/m2, Lê Duẩn 25,2 triệu đồng/90-100 triệu đồng/m2, Triệu Nữ Vương 21,84 triệu đồng/65-75 triệu đồng/m2 và Ngô Gia Tự 15,12 triệu đồng/50-60 triệu đồng/m2!

Theo Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng Đặng Ánh, việc nhà nước quy định giá đất thấp hơn hẳn giá thị trường làm thất thu ngân sách rất lớn do căn cứ vào mức giá đó để tính các loại thuế khi giao dịch; tính tiền SDĐ, thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá.

Đã có những biểu hiện cho thấy tiêu cực, tham nhũng, thất thoát trong quá trình giao đất, cho thuê đất. Điển hình là tại kỳ họp HĐND TP vừa qua, lãnh đạo Đà Nẵng đã phải chính thức công bố nguyên chủ tịch UBND quận Hải Châu phải nhận kỷ luật do ký xác nhận “hoàn cảnh” cho đơn xin mua đất của hơn 30 trường hợp mà “mỗi lần ký là kiếm được một ít đi nhậu”. Khoản lợi mà những trường hợp này thu được lớn đến nỗi sau đó họ phải nộp lại tổng cộng tới mấy chục tỉ đồng để… ủng hộ BV Ung thư!

Cần quy định cơ chế linh hoạt trong xác định giá đất

Cần tách chức năng tính thuế và chức năng xác định giá chuyển nhượng quyền SDĐ thành hai giá riêng biệt. Theo đó, giá đất do nhà nước quy định chỉ áp dụng làm căn cứ tính các loại thuế, thu tiền SDĐ khi nhà nước công nhận quyền SDĐ cho hộ gia đình, cá nhân đang SDĐ và tính giá trị quyền SDĐ khi giao đất không thu tiền SDĐ. Đối với việc giao đất, cho thuê đất mới, bồi thường giải phóng mặt bằng, cần áp dụng theo giá thị trường trên cơ sở đấu giá quyền SDĐ hoặc tính tương đương. Việc áp dụng giá thị trường để bồi thường cho người bị thu hồi đất sẽ góp phần hạn chế đáng kể các khiếu kiện liên quan đến đất đai.

Ông Đặng Ánh, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP