Top

Cơ hội nhiều, thách thức không ít

Cập nhật 10/10/2008 01:00

Vào thời điểm công tác nghiên cứu lập QH chung Hà Nội mở rộng khởi động, một trong những câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là nhà tư vấn sẽ phải đối diện với những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức gì? Câu trả lời chúng tôi nhận được từ Tiến sĩ (TS) Đỗ Tú Lan - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị thuộc Bộ Xây dựng - là: Lợi thế nhiều nhưng thách thức cũng không ít.

Lợi thế: Quỹ đất rộng lớn

Theo bà Tú Lan, Hà Nội có quỹ đất để phát triển, đặc biệt là phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Những năm qua và hiện nay Hà Nội gần như đang phát triển trên hệ thống cơ sở hạ tầng có cách đây mấy chục năm và bó hẹp trong phạm vi của Hà Nội cũ. Việc nâng cấp cải tạo cơ sở hạ tầng ít, mở rộng chưa bao nhiêu trong khi lượng dân và nhu cầu phát triển kinh tế tăng gấp nhiều lần.

“Đây là cơ hội nghiên cứu mở rộng không gian hạ tầng cho đô thị và cho các khu chức năng đô thị” - bà Tú Lan nói.

Đơn cử, hệ thống các trường đại học quốc gia, nếu không có điều kiện mở rộng địa giới như thời gian qua, chúng sẽ vẫn được sắp xếp loanh quanh phạm vi của Hà Nội cũ, quỹ đất hạn chế trong khi nhu cầu của các trường đều cần có diện tích rộng.

Tương tự như vậy, lâu nay Hà Nội lúng túng trong việc bố trí hệ thống các khu công nghiệp ra khỏi TP nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường đô thị. Rồi thì nhiều bệnh viện cần cách ly, các khu công nghiệp cao, trung tâm văn hóa, trung tâm triển lãm, bảo tàng quy mô quốc gia… sẽ bố trí ở đâu. Đặc biệt, dự kiến khu vực trung tâm hành chính quốc gia (dự kiến khu vực mới) các bộ ngành... từ trước đến nay vẫn kế thừa các công trình cũ trong nội thị, bây giờ cũng đang trở nên quá chật chội. Các bộ đều có nhu cầu tìm quỹ đất mới.

Bên cạnh lợi thế trên, Hà Nội mở rộng còn có không gian địa lý tổng hợp đầy đủ các yếu tố núi, sông, hồ, khu vực sinh thái, vùng ven đô… Đó là lợi thế để QH một Hà Nội phát triển cân bằng, bền vững.

Thách thức: Quỹ đất rộng nhưng… đầy

TS Tú Lan cho biết, Hà Nội mở rộng tuy nhiều quỹ đất những khi rà soát thì tất cả các quỹ đất có tiềm năng phát triển hoặc đã chỉ định, QH hoặc chuẩn bị được triển khai đầu tư theo các chiến lược phát triển cũ của từng địa phương.

Nhiều dự án đã đầy đủ thủ tục để triển khai nhưng những dự án này thích hợp hay chưa với QH Hà Nội mở rộng trong tương lai thì lại chưa biết.

Nếu không tạo điều kiện cho các chủ đầu tư tiếp tục triển khai thì sẽ ảnh hưởng quá trình đầu tư. Nhưng nếu cho tiếp tục thì quá trình nghiên cứu QH tới đây sẽ bất cập, gặp nhiều khó khăn. Nếu QH tới đây chấp nhận tất cả những tồn tại trên thì tư vấn lại phải lựa, lách, chắp nối, rất khó có thể đưa ra một mô hình đầy đủ, tổng thể đẹp, bảo đảm yêu cầu cao… “Đó thực sự là thách thức” - TS Lan nhấn mạnh.

Một thách thức khác là hệ thống hạ tầng khung trong nội thị hiện nay đang trong tình trạng chắp vá vì nó là hệ thống cũ cải tạo nâng cấp chưa toàn diện. Hệ thống hạ tầng mới thì đang nghiên cứu theo hướng đồng bộ và cần có nhu cầu đầu tư lớn. Kết nối giữa cái cũ chắp vá và cái mới mở rộng đồng bộ thế nào cho hợp lý?

Theo bà Tú Lan, trong quá trình QH tới đây, ai cũng mong muốn và hình dung ra một Hà Nội sẽ phát triển cân bằng, có vành đai cây xanh xung quanh, có hành lang xanh đan xen trong đô thị. Nhưng thực tế có làm được như thế không trong khi tất cả các khu vực vành đai xanh (cũ) đã và đang bị bê tông hóa. Làm sao để có thể chắt lọc được những không gian, quỹ đất để tạo ra vành đai xanh kết nối, tạo sự phát triển hài hòa? “Trên thực tế khó tìm những quỹ đất như thế” - bà Lan nói.

Theo lộ trình, sang năm 2009 chuyên gia mới nghiên cứu lập QH xong, sang năm nữa mới có thể phê duyệt. Nhưng việc xác định vị trí cho hệ thống các trường ĐH quốc gia, trung tâm triển lãm, khu vực cho các bộ ngành, trung tâm hành chính mới… lại là nhu cầu trước mắt, cực kỳ bức xúc. Nếu không đáp ứng ngay những nhu cầu bức xúc đó thì lại chậm tiến độ vì mục tiêu đầu tư đã sát nút. Còn nếu xác định ngay vị trí khi mà không có một cơ sở nghiên cứu tổng thể quả là khó. Không cân nhắc kỹ rất có thể sẽ gây ra những tồn tại sau này khó gỡ.

Ngoài ra, theo bà Đỗ Tú Lan, bài toán QH Hà Nội mở rộng còn có nhiều thách thức khác như vấn đề truyền thống của mỗi đô thị, bảo tồn làng truyền thống trong quá trình đô thị hóa…

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng