Thị trường BĐS vốn dĩ quá “ưu ái” cho nhà đầu tư “nội” có thể sẽ sớm “chuyển ngôi” cho giới đầu tư nước ngoài.
Thời của người có tiền
Hàng loạt dự án BĐS hiện nay đang bị ứ đọng bởi nợ xấu, phần lớn đã trở thành tài sản thế chấp trong ngân hàng. Đến thời điểm đáo hạn, những dự án này đứng trước nguy cơ bị ông chủ các ngân hàng thanh lý để thu hồi vốn. Tài sản BĐS phát mãi đang trở thành miếng mồi béo bở cho các nhà đầu tư có tiền.
Ông Chris Brown, TGĐ Công ty Cushman & Wakefield cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để nhà đầu tư ngoại nhảy vào thị trường BĐS Việt Nam.
Ông Chris Brown giải thích: “Thiếu vốn do không huy động được đã khiến chủ đầu tư đã, đang phải cơ cấu lại danh mục, bằng cách loại bỏ bớt những dự án chưa mang lại lợi nhuận ngay. Đây chính là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh và có tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam tìm kiếm cơ hội mua lại các dự án BĐS phát mãi”.
Cơ hội vàng cho các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh và có tầm nhìn dài hạn tại Việt Nam tìm kiếm cơ hội mua lại các dự án BĐS phát mãi (ảnh minh họa: T.Xuân)
|
Không chỉ ông Chris Brown mà nhiều chuyên gia cũng tin rằng, những ai thận trọng, nhiệt huyết và có tài chính tốt có thể “trú ẩn” lâu dài tại thị trường BĐS Việt Nam bởi thị trường lúc này đang dần bước sang chu kỳ đầu tư mới và hiện các dự án thanh lý đang được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất.
GS.TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban hợp tác Nhà nước về Đầu tư cho rằng, niềm tin của giới đầu tư đang tăng lên.
“Những số liệu dự báo của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy, giới đầu tư tin rằng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ lần đầu tiên tăng lên kể từ năm 2010 trong bối cảnh lạm phát và chi phí vay vốn giảm”, GS. Mại nhận định.
Nhìn nhận về gói kích cầu 30.000 tỷ đồng, GS. Mại chia sẻ: “Có lẽ mối quan tâm hiện nay không còn là chuyện bàn cãi về ý nghĩa và tác dụng của gói này mà cần từ kinh nghiệm tốt – xấu của các gói kích thích trước đó để chỉ đạo sát sao, có hiệu quả, cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích và đặc biệt phải loại bỏ những kẻ trục lợi”.
Cũng theo GS. Mại, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến tín hiệu phản hồi từ những người được hưởng thụ – người mua nhà và doanh nghiệp – để xử lý kịp thời mọi vi phạm pháp luật đối với khoản vay này, cũng như có cơ chế để người dân và doanh nghiệp giám sát cán bộ, nhân viên ngân hàng khi thực hiện thủ tục cho vay.
Hàn gắn lệch pha cung – cầu
Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Đầu tư Nam Long (NLG), hiện nhà ở dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn hấp dẫn khách mua.
“Nhà ở dưới 1 tỷ hiện bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ và “nhà ở vừa túi tiền”. Theo tôi, nhà ở vừa túi tiền thuộc dạng nhà ở thương mại nên dễ dàng cho nhiều đối tượng tiếp cận bởi nó không giới hạn, nguồn cung dồi dào”, ông Quang bình luận.
Tuy nhiên, tiêu chuẩn “nhà ở vừa túi tiền” là như thế nào để người dân có thể mua được một căn nhà đúng chất lượng vẫn là một câu hỏi.
Ông Quang cho rằng, những dự án được xây dựng tại thời điểm thị trường BĐS Việt Nam đang lên cơn sốt phần lớn tập trung vào phân khúc từ loại trung đến cao cấp với mức giá đắt đỏ so với thu nhập người dân. Khoảng cách cung – cầu càng ngày càng nới rộng ra đã khiến nhiều dự án giậm chân tại chỗ, góp phần đưa BĐS rơi vào khủng hoảng.
Mãi vài năm trở lại đây, một số nhà đầu tư bắt đầu chú ý hơn tới phân khúc nhà ở vừa túi tiền dành cho số đông người dân nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Theo ông Quang, phân khúc này có thể sẽ giữ vai trò “cứu cánh” của thị trường BĐS hiện nay.
Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho rằng, cho đến thời điểm này, giá BĐS đã giảm rất mạnh so với đỉnh điểm. Nhiều khu vực, nhiều dự án thậm chí đã phải “phá giá” nhằm cắt lỗ, xử lý các khoản vay đến hạn nhưng sức mua của thị trường vẫn chưa có sự bùng nổ.
Mặc dù vậy, ông Quyết vẫn tin rằng thị trường BĐS sẽ sớm tăng trưởng trở lại với sự chuyển hướng và bùng nổ phương thức đầu tư mới.
“Với sự ra đời và đi vào hoạt động của Quỹ đầu tư BĐS từ ngày 1/7 tới theo Thông tư số 228/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, tôi tin thị trường BĐS trong thời gian tới sẽ chứng kiến sự bùng nổ làn sóng đầu tư. Các chứng chỉ quỹ đầu tư BĐS sẽ là tâm điểm chú ý bởi tính hấp dẫn của mô hình này”, ông Quyết nhận định.
Mang kỳ vọng không kém, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh cho rằng, phân khúc căn hộ trung cấp sẽ giúp thị trường BĐS ấm lên. Bên cạnh đó, ông Thìn nhấn mạnh, phải lấy lại được niềm tin của người mua, thị trường BĐS mới có khả năng phục hồi. Ông Thìn cho biết, những dự án nhắm vào đối tượng khách hàng tiềm năng, có nhu cầu thật với mức giá phù hợp vẫn có những giao dịch thành công.
Đứng ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhận định: “Một trong những vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS là phải khắc phục được sự lệch pha cung – cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa hợp lý sao cho sản phẩm phải gắn với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của đại đa số người dân”.
Thứ trưởng Nam khẳng định, các giải pháp mà Chính phủ, Bộ Xây dựng đưa ra đang bám sát hướng giải quyết này và từng bước khắc phục những lỗ hổng, hàn gắn lại sự lệch pha cung – cầu.
DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc