Dự án cầu Thanh Trì - đoạn tuyến nam đường vành đai 3 qua quận Hoàng Mai, hiện còn vướng GPMB một số nơi, nằm trên đất của 3 phường liên quan đến trục đường Pháp Vân - dẫn lên cầu Thanh Trì. Thực hiện chỉ đạo của TP, quận đã vào cuộc tích cực và có biện pháp quyết liệt, đến nay nhiều điểm "nóng" GPMB đã cơ bản được giải quyết và có biện pháp xử lý.
Tại phường Yên Sở, có bến xe tải Thanh Trì (trên đường Pháp Vân), hơn 2 tuần trước, tại đây còn "cây" bán xăng, choán diện tích hơn 500m2 đứng giữa "tim" đường đã được dỡ bỏ (ảnh). Đây là trạm xăng qua tay chuyển nhượng hợp đồng khai thác rất nhiều chủ, việc xử lý phức tạp. Trong kế hoạch của quận, ngày 15/5 sẽ cưỡng chế cây xăng này, tuy nhiên, nhờ giải thích, vận động, trước đó một ngày (ngày14/5), chủ sử dụng đã tự dỡ bỏ.
Đối với khu đất của HTX Dịch vụ nông nghiệp Sở Thượng và cây gạo, diện tích khoảng 1.000m2, quận đã giao Thanh tra quận xác minh và có kết luận, khu đất thuộc đất công (báo cáo số 94A/BC-TKT ngày 25/4/2008); đồng thời thông báo việc này tới các cụ Hội người cao tuổi (phường Yên Sở).
Với sự tích cực giải thích, vận động của chính quyền phường, bà con đã nghe ra vì lợi ích chung. Đến nay, khu đất đã thu hồi xong mà không phải cưỡng chế như kế hoạch của quận dự định thực hiện vào ngày 15/5.
Liên quan đến các hộ dân, đại diện quận cho biết, 6 hộ thuộc HTX Vận tải Sở Thượng, quận đã thông qua phơng án, tổ chức chi trả tiền và nhận bàn giao mặt bằng trước ngày 25/5/2008. Còn 9 hộ khác chưa nhận tiền đền bù, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động nhưng họ chưa thống nhất phương án, UBND phường lập biên bản vi phạm hành chính và dự kiến sẽ tiến hành cưỡng chế trong tháng 5 này...
Đối với phường Thịnh Liệt, 6 hộ có đất thuộc đường gom bên phải tuyến đường, UBND phường cho biết, các hộ này cũng đã tự tháo dỡ phần kiến trúc trên đất và bàn giao mặt bằng.
Đại diện UBND quận cho biết, đối với 13 hộ HTX vận tải Sở Thượng, quận đã thông qua phương án hỗ trợ 60% tiền sử dụng đất; đồng thời cùng Ban quản lý Dự án (BQL DA) Thăng Long có tờ trình UBND TP giao đất tái định cư, với mức 40 m2/hộ, giá thu tiền đất hệ số 1,5. Việc này thuộc thẩm quyền các ngành hữu quan và TP xem xét quyết định. Với phường Đại Kim, quận và BQL DA Thăng Long thống nhất, gửi tờ trình lên UBND TP đề nghị phê duyệt cơ chế thưởng cho các hộ sớm tự di dời mồ mả xong trước tháng 9/2008.
Tại phường Hoàng Liệt, Cty CP Vật tư nông nghiệp Pháp Vân đã nhận tiền đền bù và đang dỡ bỏ công trình trên đất. Về một số khúc mắc, quan điểm của UBND quận là vận dụng cơ chế chính sách có lợi nhất cho Cty trên cơ sở phù hợp với các quy định của Nhà nước.
Theo nội dung trong văn bản số 47 ngày 7/5/2008, UBND quận gửi Cty thì việc hỗ trợ đối với công trình hạ tầng đường điện, nước sạch, thoát nước theo DA tại trụ sở mới của Cty nằm ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì không có cơ sở áp dụng. Về khối lượng san lấp tôn tạo 2.980m3 đá hộc, 10.000 m3 cát, UBND quận sẽ xem xét phê duyệt bổ sung kinh phí hỗ trợ khi nào Cty cung cấp đủ chứng từ, chứng minh khối lượng trên.
Tuy nhiên, nhiều lần quận yêu cầu, nhưng Cty chưa đáp ứng yêu cầu trên. Tương tự chi phí tư vấn cho địa điểm mới, UBND TP đã có văn bản số 4066 (ngày 16/9/2005) giao cho Sở Tài chính TP xem xét và đề nghị Cty cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan để báo cáo TP xem xét quyết định. Về hỗ trợ, ngừng sản xuất kinh doanh, UBND quận yêu cầu Cty gửi văn bản xác nhận việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để làm căn cứ hỗ trợ.
Tuy nhiên, đến nay, những yêu cầu này Cty cũng chưa đáp ứng được, do đó quận không có đủ cơ sở pháp lý để xem xét bồi thường, hỗ trợ. Mặc dù vậy, Cty đã cam kết đến ngày 25/5, sẽ bàn giao mặt bằng để chủ đầu thực hiện dự án.
Như vậy, sau lần đồng chí Chủ tịch UBND TP kiểm tra tiến độ dự án tuyến đường này, quận Hoàng Mai đã có động thái tích cực và thực hiện có kết quả công tác GPMB.