Top

“Chúng tôi kỳ vọng ở tương lai của VN”

Cập nhật 16/07/2008 09:00

Có mặt ở VN chỉ gần hai năm trở lại đây, nhưng Tập đoàn Berjaya (Malaysia) đã đầu tư vào chín dự án lớn ở VN với tổng số vốn đầu tư lên gần 5 tỉ USD, trở thành nhà đầu tư của Malaysia lớn nhất tại VN. Thực tế tiềm lực tập đoàn này như thế nào và việc triển khai các dự án ở VN ra sao? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với chủ tịch tập đoàn Tan Sri Vincent Tan, ông cho biết:

- Tại Malaysia, Berjaya là một tập đoàn đa ngành với hơn 100 công ty con và chi nhánh hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư bất động sản, tài chính, xổ số, hạ tầng đô thị, du lịch khách sạn, tin học - truyền thông... Chính vì vậy, việc mở rộng hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trong đó có VN, là điều dễ hiểu.

Mặc dù nền kinh tế VN hiện đang gặp phải những khó khăn, nhưng theo tôi, đó chỉ là tạm thời. Về dài hạn, so với các thị trường khác VN đang có khá nhiều lợi thế. Nếu chỉ xét góc độ môi trường đầu tư, VN là một thị trường rất hấp dẫn với việc ổn định về mặt chính trị. Đồng thời Chính phủ luôn ủng hộ và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào VN đầu tư làm ăn, đã giúp những nhà đầu tư chúng tôi thật sự yên tâm.

Bên cạnh đó, việc VN trở thành thành viên chính thức của WTO nên hiện có rất nhiều lĩnh vực nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư 100% vốn. Đây chính là cơ hội lớn để chúng tôi nhanh chóng thâm nhập thị trường VN.

*Việc triển khai cùng lúc khá nhiều dự án với số vốn đầu tư rất lớn, dư luận đang đặt nhiều câu hỏi về khả năng giải ngân vốn các dự án của Berjaya liệu có đúng như tiến độ đã cam kết?

- Ở góc độ nhà đầu tư, để triển khai nhanh và thành công một dự án, chúng tôi thường thực hiện theo công thức: vốn tự có + ngân hàng + đối tác. Với các dự án lớn, chúng tôi luôn chia làm nhiều giai đoạn nên việc triển khai sẽ dễ dàng hơn. Tất nhiên, để các dự án thành công, chúng tôi cần sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan địa phương...



Ông Tan Sri Vincent Tan.

Tại TP.HCM, với dự án xây dựng Khu đô thị - đại học quốc tế vừa được UBND TP.HCM cấp phép vào đầu tháng 7-2008, hiện nay chúng tôi đang tiến hành rà soát bom mìn toàn bộ khu vực, đo đạc hiện trạng và cùng các cơ quan chức năng TP.HCM hoàn tất các thủ tục cuối cùng để khởi công vào quí 4-2008. Hay như dự án xây dựng trung tâm tài chính tại Kỳ Hòa (TP.HCM), chúng tôi đang làm việc với các sở, ngành để sớm khởi công trong quí 4-2008.

*Thực tế tại VN thời gian qua có không ít dự án lĩnh vực bất động sản với vốn đầu tư nước ngoài lên đến hàng tỉ USD sau khi cấp phép nhiều năm vẫn nằm trên… giấy. Ông chia sẻ kinh nghiệm gì qua việc thực hiện các dự án ở Malaysia cũng như các nước khác khi áp dụng tại VN?

- Chúng tôi đã và đang đầu tư rất nhiều dự án ở Malaysia và nhiều nước khác, vì vậy có thể khẳng định đã tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Quan điểm của chúng tôi khi triển khai các dự án bất động sản là phải chia sẻ với người dân bị giải tỏa. Vì vậy, chúng tôi luôn thống nhất cao khi có giá đền bù do nhà nước quyết định.

Mặt khác, chúng tôi sẵn sàng cho đội ngũ nhân viên Berjaya tại VN với phần lớn là người Việt, trong đó tổng giám đốc Berjaya VN hiện đang là người Việt. Chính vì vậy, có thể khẳng định người VN sẽ giữ vai trò quan trọng trong tất cả dự án đã và đang triển khai tại VN, và theo tôi, đây chính là một trong những yếu tố quyết định việc triển khai dự án nhanh hay chậm.

Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị đi qua "cầu", xin hãy chờ xem chúng tôi đi qua "cầu" như thế nào lúc đó hãy kết luận.

* Vì sao phần lớn dự án của Berjaya đầu tư vào VN hiện nay chỉ tập trung vào lĩnh vực bất động sản trong khi tại Malaysia, Berjaya đang có thế mạnh đầu tư nhiều lĩnh vực khác?

- VN là một quốc gia đang phát triển, trong đó lĩnh vực bất động sản thời gian qua đã phát triển rất nhanh. Như tôi đã nói, những khó khăn của VN hiện nay chỉ là trước mắt, còn về lâu dài chắc chắn VN sẽ là một con hổ của khu vực.

Chính vì vậy, việc lựa chọn bước đi đầu tiên tại VN trong lĩnh vực bất động sản là hợp lý. Bởi không chỉ người dân VN, nhà đầu tư các nước đang tìm đến VN ngày một nhiều hơn, đương nhiên các nhu cầu dịch vụ kèm theo cũng sẽ tăng lên. Bằng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực này, chúng tôi đang quyết tâm thực hiện những dự án tại VN mang tính hình mẫu nhất để không hổ thẹn với những gì đã cam kết với Chính phủ VN.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa Berjaya chỉ tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Vừa qua chúng tôi cũng đầu tư vào dịch vụ du lịch bằng việc mua khách sạn Intercontinental Hà Nội, khách sạn Sheraton Hà Nội và resort Long Beach Ancient tại Phú Quốc, tham gia góp vốn đầu tư một số lĩnh vực khác tại VN như sản xuất, giáo dục, tài chính - chứng khoán... Việc mở rộng đầu tư sang lĩnh vực khác vẫn đang được chúng tôi xem xét, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục mở rộng sang lĩnh vực phân phối, bán lẻ...

*Xin cảm ơn ông.

Tập đoàn Berjaya Corporation Berhad có 9 dự án đã được cấp phép và mua lại tại VN:

Bất động sản:

* Dự án Khu đô thị mới Thạch Bàn - Hà Nội: 320 triệu USD

* Dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam tại TP.HCM: 930 triệu USD

* Dự án Khu đô thị - đại học quốc tế tại TP.HCM: 3,5 tỉ USD

* Dự án khách sạn 5 sao cùng khu phức hợp căn hộ và Trung tâm thương mại Biên Hòa City Square: 100 triệu USD

Đang sở hữu khách sạn và khu nghỉ mát:

* Khách sạn Intercontinental tại Hà Nội (sở hữu 75%): 100 triệu USD

* Khách sạn Sheraton tại Hà Nội (sở hữu 70%): 68 triệu USD

* Resort Long Beach Ancient tại Phú Quốc, Kiên Giang (70%): 15 triệu USD

Ngoài ra, còn có Công ty chứng khoán Saigon Bank Berjaya (SBBS) liên doanh giữa Saigon Bank và Công ty TNHH Kỳ Hòa có vốn điều lệ 300 tỉ VND. Berjaya cũng nắm 49% cổ phần của Công ty quản lý quĩ Thép Việt.


Theo Địa Ốc TTO