Top

Chứng khoán và “anh hàng xóm”: bất động sản (phần 1)

Cập nhật 18/12/2007 11:00

Dù chủ đầu tư căn hộ The Vista công bố là 9 giờ sáng ngày 19/10/2007 mới mở cửa để bán 140 căn hộ, nhưng từ 15 giờ chiều 18/10, đã có hàng trăm người đến xếp hàng… Sáng 24/10/2007, hàng ngàn người lại tiếp tục gây náo loạn, tranh giành làm thủ tục chuyển tiền tại Indovina Bank (39 Hàm Nghi Quận 1, TPHCM) để có thể mua căn hộ khu Sky Garden III của công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng… Đây là thời kinh tế thị trường hay kinh tế bao cấp?

Chứng khoán và “anh hàng xóm” bất động sản

Tin buồn là đến ngày 14/11/2007, Sở xây dựng TPHCM yêu cầu ngưng ngay việc nhận tiền huy động vốn của khách hàng. Câu chuyện trên tuy mới lạ, nhưng lại như quen quen vì dường như là trích đoạn kịch bản TTCK giai đoạn đầu năm 2001.

3 giờ sáng những ngày đầu năm 2001, trước cửa sàn giao dịch các CTCK BSC, SSC, BVSC… đã tụ tập hàng chục người. Ai cũng mắt nhắm mắt mở nhưng vẫn không dám đi đâu vì chỉ có thế mới có được những số thứ tự đặt lệnh đầu tiên và xác suất mua được cổ phiếu sẽ cao hơn.
 
Một thời, sau sự nôn nóng của các nhà đầu tư lớn thành mầm họa cho các cuộc cãi vã nảy lửa khi nhà đầu tư có được số thứ tự 01 vẫn không đặt được lệnh vì nhân viên CTCK có được số thứ tự 00… Cũng rất may là giai đoạn “tem phiếu” ấy vào giữa năm 2001 đã kết thúc bằng một giai đoạn thay máu đầy đau đớn của thị trường kéo dài suốt hơn 4 năm sau đó ( VN - index rơi tự do từ 571 điểm xuống 150 điểm và đến tháng 9/2005 mới quay lại ngưỡng 300 điểm).

Như có duyên có nợ. “Thị trường BĐS trong giai đoạn 2000 - 2004 có thể so sánh với TTCK Việt Nam trong năm đầu khai trương: chỉ cần hôm nay mua được cổ phiếu để dến phiên hôm sau là có lãi, càng để lâu càng lãi to.

Chỉ trong một thời gian ngắn đã xảy ra tình trạng “người người kinh doanh bất động sản”. Một ông lão về hưu, một bà già ngồi bán hàng nước cũng trở thành những người môi giới hoặc trực tiếp kinh doanh bất động sản. Ông Nguyễn Thanh Bình, phó tổng giám đốc Ngân hàng VP Bank trả lời phỏng vấn với báo giới hồi tháng 9/2005

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, từ quý IV/2005 đến hết năm 2006, người ta nhanh chóng rơi vào bi quan với việc giá bất động sản không tăng, đầu cơ khó khăn. Tâm trạng của nhà đầu tư lúc đó có lẽ không khác những gì dư luận đang nhìn về biến động của TTCK 3 tháng nay. Chuyện gì đang xảy ra?

Tháng 2/2006. Peter Dinning Giám đốc phụ trách kinh doanh bất động sản của công ty quản lý quỹ VinaCappital, trong cuộc trao đổi với báo giới đã lý giải: “Tôi không nghĩ thị trường Bất động sản đóng băng.
 
Hai ba năm trước, các nhà đầu tư chỉ việc quy hoạch, xây nhà và bán, có nhiều người mua. Nhưng bây giờ không phải cứ xây lên là bán được. Nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua nhà hay căn hộ trở nên sành điệu hơn, họ hiểu rõ hơn về món hàng mà mình bỏ tiền ra để có. Yếu tố lựa chọn của người tiêu dùng đã ảnh hưởng đến thị trường”.

>Chứng khoán và "anh hàng xóm": bất động sản (phần 2).

Theo Đầu Tư Chứng Khoán