Top

Chính sách “Hậu tái định cư” đồng bộ, hiệu quả

Cập nhật 03/05/2008 10:00

Thực trạng người dân ở các chung cư tái định cư gặp khó khăn về việc làm cũng như các vấn đề khác của cuộc sống, nguyên nhân không chỉ nằm ở chính bản thân mỗi người dân. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, phần lớn do các chính sách “hậu tái định cư” đã không được thực hiện trong thực tế, khiến cho người dân luôn ở thế bị động, khó định hướng được cuộc sống của mình.

Hình thành những nhóm “dân cư bị bỏ rơi”

Phó Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển đô thị (Viện Kinh tế TPHCM), Th.S Lê Văn Thành, một chuyên gia rất quan tâm đến các chính sách tái định cư (TĐC) hiện nay, cho biết, công tác quản lý, chăm sóc cuộc sống người dân sau TĐC ở TPHCM gần như đang bỏ ngỏ.

Kết quả điều tra từ công trình nghiên cứu về thực trạng đời sống kinh tế xã hội các hộ gia đình sau TĐC (do ông Thành làm Chủ nhiệm đề tài) cho thấy có đến 86% gia đình TĐC cho rằng họ không nhận được sự giúp đỡ nào của chính quyền nơi ở mới, dù con số chỉ phản ánh từ ý kiến của người dân (qua phiếu khảo sát, chứ chưa phải là thực tế), nhưng phần nào đã cho thấy việc đón tiếp người dân về nơi ở mới của nhiều địa phương không đáp ứng được kỳ vọng của nhiều gia đình.

Thực tế này, theo TS Phạm Thị Yên (Khoa Kinh tế phát triển - ĐH Kinh tế TPHCM), phản ánh nhiều chính sách TĐC hiện nay trên địa bàn TP nói riêng, cả nước nói chung, không được triển khai đồng bộ, thiếu hẳn những cơ sở, giải pháp để người dân có cuộc sống ổn định nơi TĐC. Cụ thể, các khu chung cư dành cho TĐC hiện nay phần lớn chỉ mới đáp ứng được một nhu cầu duy nhất là chỗ ở, các nhu cầu khác về việc làm, y tế, văn hóa… không được đáp ứng.

Chuyên gia về lao động - việc làm Trần Anh Tuấn dẫn chứng thêm, các khu TĐC, chung cư hiện đang tồn tại khá nhiều cái “không”: không có chỗ làm việc, không nhà trẻ, không chợ búa, không bệnh viện, không nhà văn hóa…

Nó là hệ quả của một thời gian dài triển khai công tác di dời, giải tỏa chỉ hướng đến một mục tiêu duy nhất là thỏa thuận được giá bồi thường. Sau khi đạt được mục tiêu này rồi, cả phía chính quyền, nhà đầu tư và cả người dân “giật mình” nhận ra: những điều kiện tối thiểu cho cuộc sống “hậu TĐC” đã không được định hướng trước. Tất cả điều đó, theo đánh giá của ông Lê Văn Thành, khiến cho cộng đồng dân TĐC trở thành nhóm “dân cư bị bỏ rơi” hoặc “tạm thời bị bỏ rơi” và cuộc sống “hậu TĐC” vốn đã khó khăn nay lại khó khăn hơn rất nhiều.

Thành lập ngay một cơ quan chuyên trách về “hậu tái định cư”

Đây là kiến nghị chính thức của Viện Kinh tế TP và các chuyên gia nghiên cứu về các chính sách TĐC. Tùy theo điều kiện mà có thể thành lập một cơ quan chuyên trách hoặc một bộ phần của từng dự án TĐC. Trong đó bao gồm các nhân viên công tác xã hội, là những người có kỹ năng đi sâu sát vào tình hình cuộc sống của từng người dân để theo dõi cuộc sống của họ sau TĐC về mọi mặt như: kinh tế, giáo dục, điều kiện sinh hoạt, các nhu cầu về nhận thức…

Sự hỗ trợ này cần kéo dài trong một khoảng thời gian đủ để tránh sự hụt hẫng cho người dân về nơi ở mới. Sau đó cần có sự chuyển tiếp thật đồng bộ giữa cơ quan này với chính quyền địa phương các khu vực TĐC. Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM Trần Anh Tuấn giải thích thêm, nhiều người dân TĐC “ôm” một số tiền trong tay, nhưng không biết phải làm gì, do đó rất cần có sự hướng dẫn của các nhân viên công tác xã hội, nhất là về định hướng nghề nghiệp.

Để người dân khi di dời, TĐC có được một cuộc sống ổn định, Th.S Lê Văn Thành và TS Phạm Thị Yên cùng thống nhất rằng: khi mỗi dự án được đề ra, trước hết cần có các cuộc điều tra xã hội học để tìm hiểu đầy đủ thông tin kinh tế xã hội và nguyện vọng của các gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án để có thể có những chính sách bồi thường, giải tỏa, TĐC thích hợp và định hướng nghề nghiệp, công ăn việc làm của họ sau này.

Để có thể có được sự hỗ trợ toàn diện về mọi mặt cho người dân TĐC, cần phải có nguồn kinh phí rất lớn. Nguồn kinh phí này có thể huy động từ ngân sách Nhà nước, từ các nguồn viện trợ, và nhất là từ những đối tượng được hưởng lợi từ dự án, như các nhà đầu tư và kể cả người dân còn ở lại. TS Yên nêu thêm: cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích và phát triển hệ thống dạy nghề quy mô vừa và nhỏ để thu hút lực lượng lao động TĐC tham gia học nghề. Vì những cơ sở dạy nghề này linh hoạt, đáp ứng được nhu cầu, trình độ của người dân TĐC.

Các chuyên gia đều cho rằng không có một hình ảnh quá bi quan về người TĐC - như một số nhận định chủ quan - nhưng còn cần nhiều nỗ lực hơn nữa từ nhiều phía để cuộc sống của người TĐC ổn định và tốt hơn. Một cuộc đổi đời bao giờ cũng phải trải qua nhiều trăn trở, có khi đau đớn nhưng tương lai chắc sẽ phải sáng sủa hơn, nếu như các chính sách “hậu TĐC” được xây dựng đồng bộ và thực thi có hiệu quả trong thực tế.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã có những kiến nghị cụ thể nhằm giúp cho cuộc sống “hậu TĐC” của người dân được ổn định. Theo đó, nếu cá nhân hay cộng đồng bị di dời giải tỏa thì phải được: bồi thường mọi tài sản, thu nhập và kế sinh nhai bị mất; giúp di dời và TĐC; giúp đỡ để đời sống kinh tế-xã hội tốt hơn hay ít nhất là ngang bằng so với trước TĐC; cung cấp đầy đủ đất đai, nhà ở, cơ sở hạ tầng và những yếu tố khác như cuộc sống ban đầu; cung cấp đầy đủ thông tin và tư vấn kỹ càng về các mức bồi thường và các phương án TĐC.


Theo Sài Gòn Giải Phóng