Top

Chỉ số giá xây dựng không làm giá vật liệu giảm

Cập nhật 23/09/2010 11:45

Các loại vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, gạch... liên tục tăng giá trong thời gian qua đã tác động không nhỏ đến ngành xây dựng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng xung quanh vấn đề này.


Thị trường vật liệu xây dựng có sự liên hệ mật thiết với thị trường BĐS. Ảnh: Thu Hằng

* Bộ Xây dựng đã ban hành chỉ số giá xây dựng nhưng trên thực tế có những thời điểm giá vật liệu xây dựng vẫn bị tăng đột biến? Theo ông, đâu là nguyên nhân của sự biến động giá này?

Việc tăng giá nhà hay công trình bị đẩy lên là do rất nhiều yếu tố: chế độ chính sách, giá cả đầu vào... Như chúng ta biết, sau khi gia nhập WTO, nền kinh tế thị trường của nước ta có độ mở tương đối lớn. Nhiều loại hàng hoá được nhập khẩu từ nước ngoài vào do đó ảnh hưởng từ thị trường của thế giới cũng đã tác động đến Việt Nam. Giá nguyên vật liệu và xây dựng vì thế cũng có sự biến động. Có những thời điểm, giá xây dựng và vật liệu tăng cao mà không có dấu hiệu giảm. Có rất nhiều lý do, không thể đặt vấn đề là có chỉ số giá sẽ giúp giá cả giảm đi vì đây không phải là vai trò của chỉ số giá. Chỉ số giá chỉ là công cụ, thông tin phản ánh những cái đã xảy ra chứ không phải là yếu tố để giúp kìm tốc độ tăng giá. Nếu muốn kiểm soát tốc độ tăng giá thì cần có nhiều biện pháp khác của Chính phủ.

* Vậy làm thế nào để có thể kiểm soát được các nhà thầu và các chủ đầu tư trong việc thực hiện nghiêm túc cách tính của chỉ số giá xây dựng mà Bộ Xây dựng ban hành?

Chỉ số giá xây dựng là công cụ thông tin đồng thời là công cụ quản lý thị trường. Từ sau Nghị định 99 năm 2007 của Chính phủ, chỉ số giá xây dựng bước đầu cũng đã có những tác dụng trong công tác quản lý. Trong dịp biến động giá cả năm 2007-2008, chỉ số giá xây dựng đã giúp cho các cơ quan quản lý và các chủ đầu tư, nhà thầu nắm bắt tình hình nhanh hơn, ra quyết định kịp thời hơn để xử lý thông tin về giá cả.

Trên thực tế, nhiều nhà thầu sử dụng chỉ số giá xây dựng để điều chỉnh chi phí mức đầu tư cũng như giá dự án, công trình trên cơ sở đó nhằm đảm bảo tiến độ dự án công trình không bị gián đoạn.

Chúng ta phải hiểu, chỉ số này phản ánh biến động thị trường chứ không phải là căn cứ để quyết định mức tăng giá trên thị trường. Trong một số trường hợp nhất định, chỉ số này giúp nhà quản lý điều chỉnh xử lý kịp thời trước những thay đổi của thị trường.

* Trên thực tế, một số chủ đầu tư vẫn có tâm lý e ngại với cơ quan chức năng trong trong việc đánh giá chỉ số giá xây dựng. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Khi vận dụng chỉ số giá xây dựng và những chỉ số khác như sử dụng định mức hay đơn giá, các chủ đầu tư thường có tâm lý e ngại. Tuy nhiên vấn đề này đã được giải tỏa trong nội dung của Nghị định 112/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Trong quá trình thực hiện quản lý chi phí dự án, những nội dung chủ đầu tư đã quyết định rồi thì khi thanh tra, kiểm toán, phải tuân thủ quy định của chủ đầu tư. Tâm lý này là có nhưng thực tế đã được giải tỏa, tạo điều kiện cho chủ đầu tư yên tâm để có thể vận dụng chỉ số này để điều chỉnh giá khi biến động.

* Theo ông, có nên đưa chỉ số giá BĐS và chỉ số giá vốn vào việc điều tra sự cố xây dựng hay không?

Trong kinh tế thị trường có rất nhiều loại chỉ số: giá nông sản thực phẩm, chỉ số BĐS, chỉ số chứng khoán... việc đưa chỉ số giá vào các mục đều có nội dung cụ thể. Đây đều là những chỉ số phản ánh giá biến động của thị trường vì vậy nếu chúng ta đã có thị trường hoàn chỉnh thì tất cả những chỉ số này đều có mối liên hệ với nhau ở mức độ nhất định, chỉ là nhiều hay ít thôi.

Trong xây dựng của chúng ta có nhiều loại vật tư phải nhập khẩu từ bên ngoài như xi măng, sắt thép đều liên quan đến chỉ số giá nhập khẩu. Chỉ số BĐS hiện nay được đưa ra thị trường phần lớn là các dự án kinh doanh BĐS phải thông qua quá trình xây dựng mới tạo ra được. Như vậy, thị trường vật liệu xây dựng sẽ có sự liên hệ mật thiết với thị trường BĐS. Xây dựng sẽ cung cấp các yếu tố đầu vào cho BĐS đo đó sự biến động giá cả của thị trường sẽ ảnh hưởng đến BĐS và biến động của chỉ số giá BĐS. Điều này là có nhưng mức độ ảnh hưởng như thế nào, mối liên hệ chặt chẽ hay không chặt chẽ còn phải nghiên cứu nữa.

* Thưa ông, việc công bố chỉ số giá xây dựng theo quý như hiện nay liệu có phù hợp với sự biến động của thị trường hay không?

Hiện nay Bộ xây dựng công bố 3 tháng một lần, xét về mặt nào đó thì tính kịp thời chưa đáp ứng được tốt nhu cầu trên thực tế nhưng với nền kinh tế có giá cả mà biến động theo từng ngày thì chắc là cũng không hợp lý. Nếu biến động vài tuần hay vài tháng thì có thể xử lý được còn trong trường hợp hàng hoá thiết yếu biến động từng ngày thì đây cũng không phải là dấu hiệu tốt.

* Vậy sắp tới Bộ Xây dựng có đưa ra chỉ số xây dựng dự báo để giúp các chủ đầu tư dự án dự báo được những biến động của thị trường?

Chỉ số giá hiện nay là phản ánh những thực tế đã xảy ra và trên cơ sở đó là căn cứ để có thể dự báo cho tương lai xem giá cả vật liệu sẽ đi lên, đi xuống hay đi ngang, mức độ nóng lạnh như thế nào? Đây cũng là công cụ để dự báo sự biến động giá cả tương lai.

* Xin cảm ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Tầm Nhìn