Việc xác định và công bố chỉ số giá bất động sản nhằm xây dựng công cụ, thước đo phản ánh đúng một thị trường lành mạnh; cung cấp thông tin định hướng thị trường cho người tiêu dùng, nhà đầu tư và để thị trường đi đúng hướng
* Phóng viên: Việc xây dựng và công bố chỉ số giá BĐS phải chăng để “gò cương” thị trường BĐS? Việc làm này có khắc chế được tình trạng “làm giá” trên thị trường BĐS không, thưa ông?
- Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà: Từ hàng chục năm nay, thị trường BĐS luôn biểu hiện theo kiểu “nóng, lạnh” bất thường. BĐS “sốt” hay “đóng băng” thực chất chỉ diễn ra cục bộ ở một số khu vực, vị trí đắc địa hoặc chỉ do giới đầu cơ “thổi” giá, do tâm lý số đông... Việc xác định và công bố chỉ số giá BĐS nhằm xây dựng công cụ, thước đo phản ánh đúng một thị trường lành mạnh; cung cấp thông tin định hướng thị trường cho người tiêu dùng, nhà đầu tư và để thị trường đi đúng hướng. Việc công bố chỉ số giá BĐS cũng tương tự như giá tiêu dùng, thị trường chứng khoán...
Chỉ số giá BĐS được công bố không có tính bắt buộc các đối tượng tham gia giao dịch phải tuân theo, mà chỉ có tính chất tham khảo. Tuy nhiên, nó sẽ góp phần định hướng rõ ràng hơn cho nhà đầu tư và người dân, bởi nhìn vào đó, người ta sẽ biết cái gì đang tăng, cái gì đang giảm, từ đó có thể lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp.
* Một số nhà đầu tư cho rằng các yếu tố xây dựng chỉ số giá BĐS sẽ không phản ánh đúng thực tế?
- Chỉ số giá BĐS do Bộ Xây dựng phối hợp hoặc sử dụng các nghiên cứu, tính toán của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Tổng cục Thống kê và Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả để xây dựng. Việc tính toán cũng dựa trên tình hình giao dịch thực tế giữa người dân với nhau ở một vị trí, địa bàn cụ thể, không phải giá do chủ đầu tư các dự án ấn định. Ngoài ra, còn tính tới biến động giá của các BĐS tương tự theo thời gian.
Tuy nhiên, việc xây dựng chỉ số giá BĐS cho cả nước sẽ rất phức tạp và không phản ánh đúng tình hình từng khu vực, địa phương. Do vậy, chỉ công bố chỉ số giá BĐS theo từng địa bàn, trước mắt là TPHCM và Hà Nội. Trên cơ sở này, các địa phương khác cũng có thể tự công bố chỉ số giá BĐS ở địa bàn.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng hệ thống sàn kinh doanh BĐS chuẩn để căn cứ vào quy mô, uy tín của các sàn này mà lập ra mạng các sàn giao dịch. Thông tin từ thị trường, các cơ quan quản lý Nhà nước và thống kê từ các sàn giao dịch chuẩn sẽ được dùng để ban hành chỉ số giá BĐS.
* Thưa ông, chỉ số giá BĐS được xác định chung hay cụ thể từng loại BĐS và việc công bố sẽ tiến hành như thế nào?
- Phương pháp tính chỉ số giá BĐS là sử dụng rổ hàng hóa, nhưng cũng có thể sẽ có chỉ số cho từng thị trường, như: nhà cao cấp, đất nền, nhà phố, văn phòng, khách sạn... Theo kế hoạch, thời gian đầu việc công bố chỉ số giá BĐS sẽ cố gắng thực hiện hằng tháng. Trước mắt, dự kiến trong tháng 9 này sẽ có chỉ số giá BĐS ở TPHCM và Hà Nội.
Khách hàng đang được giới thiệu mua căn hộ trong một dự án
ở quận Bình Thạnh - TPHCM. Sắp tới, họ có thể tham khảo chỉ
số giá BĐS trước khi quyết định việc mua bán. Ảnh: K.Long
Việc công bố chỉ số giá BĐS sẽ chia theo vùng, như tại Hà Nội sẽ có chỉ số giá BĐS vùng phía Tây, phía Đông; ở TPHCM có vùng phía Nam, phía Bắc... Xác định chỉ số giá BĐS càng chi tiết càng tốt, nhưng thật sự nó không thể chính xác tuyệt đối mà chủ yếu để định hướng thị trường. (Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà)
Theo Người Lao Động