Một vụ lật kèo hy hữu khi bên bán không chịu giao nhà cho bên mua, viện lẽ chỉ mới bán nền chứ chưa bán căn nhà.
Gần một năm nay, anh T. (ngụ phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP.HCM) liên tục tự trách mình đã thiếu cẩn trọng khi mua nhà để rồi mất đứt hơn 600 triệu đồng.
Những thỏa thuận trái khoáy
Đầu tháng 6-2007, anh T. hỏi mua một căn nhà của vợ chồng ông B. Nhà nằm trên mảnh đất gần 130 m2 ở phường 15, quận 8. Thấy miếng đất không nở hậu, anh T. chỉ chịu mua phần diện tích vuông vức 72 m2 có căn nhà trên đó, chừa lại phần đất phía sau. Vợ chồng ông B. chấp thuận. Ngày 5-6-2007, anh T. đặt cọc 50 triệu đồng. Giấy nhận cọc do vợ chồng ông T. soạn, ghi rõ: “Chúng tôi có nhận bán một căn nhà với giá 410 triệu đồng”.
Hôm sau, vợ chồng ông B. thuyết phục anh T. mua toàn bộ diện tích nhà, đất. Anh T. đồng ý. Rắc rối bắt đầu nảy sinh từ “giấy thỏa thuận bổ sung” mà vợ chồng ông B. chuẩn bị. Anh T. cho rằng mình là người Hoa, không rành luật pháp và tiếng Việt nên mới bị lừa ký vào tờ giấy này. Giấy thỏa thuận bổ sung ghi: “Vợ chồng chúng tôi (ông bà B.) bán toàn bộ nền đất với giá tiền 650 triệu đồng. Bên mua trả trước 550 triệu đồng và sẽ trả 100 triệu đồng còn lại sau khi nhận được “giấy đỏ” và chìa khóa căn nhà nói trên”.
Chính vì bản thỏa thuận có ghi “bán toàn bộ nền đất” nên khi đã nhận hơn 600 triệu đồng của anh T., vợ chồng ông B. đã lật kèo. Họ bảo rằng chỉ mới bán phần nền đất và đòi anh T. phải trả thêm gần 150 triệu đồng để mua căn nhà. Anh T. và người thân phản ứng, buộc vợ chồng ông B. phải đến phòng công chứng để hoàn tất thủ tục mua nhà.
Vợ chồng ông B. cũng cam kết sẽ có mặt tại phòng công chứng vào ngày 9-7-2007. Nhưng khi đến nơi, vợ chồng ông B. lại không chịu vào, vẫn với lý do “chỉ mới bán nền đất, chứ chưa bán nhà”. Tháng 8-2007, sau nhiều ngày giằng co, anh T. gửi đơn đến TAND quận 8. Cho đến nay, vụ tranh chấp vẫn chưa được đem ra xét xử.
Điều làm anh T. bất bình là trong thời gian chờ tòa án xử lý, vợ chồng ông B. còn lớn tiếng dọa sẽ kiện ngược lại anh T. Họ cho dỡ la-phông, kính cửa và nhờ người canh giữ, không cho anh T. vào nhà.
Bán cả nhà hay chỉ bán nền?
Thực ra thỏa thuận giữa anh T. và vợ chồng ông B. có điểm chưa rõ. Lúc thì ghi “bán toàn bộ nền đất”, lúc thì “sẽ giao chìa khóa nhà sau khi anh T. trả xong số tiền còn lại”. Vậy hai bên đã thỏa thuận chỉ mua bán nền hay cả căn nhà trên đất?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn luật sư TP.HCM, lưu ý: “Theo khoản 1 Điều 409 Bộ luật Dân sự, khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí chung của các bên để giải thích điều khoản đó. Căn nhà nằm trên đất, không thể tách rời. Nếu chỉ bán nền, vợ chồng ông B. phải làm sao để giao lại nền đất cho anh T.? Hơn nữa, trong các bản thỏa thuận, vợ chồng ông B. đã ghi rõ là “sẽ giao lại chìa khóa nhà”. Nếu không bán nhà sao lại cam kết sẽ giao chìa khóa?
Ngoài ra, theo khoản 8 Điều 409 bộ luật trên, trong trường hợp bên mạnh thế (vợ chồng ông B.) đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên yếu thế (anh T.) thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế”.
Theo nhận xét của luật sư Hậu, với những biên bản thỏa thuận trên, anh T. có thể chứng minh đôi bên đã thỏa thuận mua bán cả đất lẫn nhà. Tuy nhiên, anh T. đã tự đưa mình vào những rắc rối không đáng có. Luật sư Hậu khuyên: “Cả bên mua và bán đều nên cẩn trọng từng chi tiết trong hợp đồng, bởi lẽ nhà, đất là những tài sản có giá trị lớn. Ngoài việc tìm hiểu xem nhà, đất do ai làm chủ, có vướng quy hoạch hay không, người mua nên tìm đến những tổ chức, dịch vụ trợ giúp pháp lý để được tư vấn và xin mẫu hợp đồng ở các phòng công chứng. Ngoài ra, các bên có thể chọn ngân hàng làm trung gian thanh toán để tránh rủi ro”.