Ông Nguyễn Hữu Quang - Ảnh: K.H. |
Cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư, hạn chế tình trạng có quá nhiều dự án đầu tư và sử dụng khoản vay kém hiệu quả, thất thoát vốn...
Ông Nguyễn Hữu Quang, ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, nói như vậy với PV. Ông Quang nói:
- Không chủ đầu tư nào muốn dự án bị cắt giảm, bởi ai cũng muốn công trình đó sớm được đưa vào khai thác. Nhà thầu được giao thi công công trình cũng muốn xong sớm để chuyển sang công trình khác. Vì thế, hầu như chủ đầu tư nào cũng kêu khổ, cũng kiến nghị cả nên người có quyền quyết định cắt giảm rất khó ra quyết định...
"Hơn 2.000 dự án đầu tư công thuộc diện cắt giảm hoặc điều chuyển vốn nhưng không địa phương nào chịu hi sinh quyền lợi của mình trước, còn trung ương thì lúng túng nên mới có hiện tượng giãn, hoãn không có trọng điểm"
Ông Nguyễn Hữu Quang |
* Nhưng tại nhiều địa phương, ngay cả các dự án đang trong giai đoạn hoàn thành cũng bị cắt giảm hay đình hoãn, không những gây bức xúc đối với chủ đầu tư mà còn là sự lãng phí tài sản của xã hội, thưa ông?
- Với các dự án mới khởi công hoặc khối lượng thực hiện dưới 50% thì cắt hoặc giãn tiến độ là đúng. Nhưng dự án đã hoàn thành tới 70-80%, thậm chí 90%, tiền đổ vào đấy rất nhiều rồi mà cắt giảm hay giãn tiến độ thì cần phải xem lại.
Tôi lấy ví dụ có một dự án xây dựng bệnh viện 500 phòng tại một tỉnh miền núi dự kiến đưa vào khai thác tháng 12-2011. Thế nhưng dự án này hiện bị đưa vào danh sách giãn tiến độ, trong khi lẽ ra phải được tập trung vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa bệnh viện vào hoạt động, tạo điều kiện khám chữa bệnh cho người dân nghèo ở địa phương này.
Những trường hợp tương tự còn rất nhiều, chủ đầu tư bức xúc là đúng. Nếu tiếp tục kiểu làm này, chắc chắn sẽ có tình trạng chôn vốn ở tất cả công trình và cũng chẳng có công trình nào được đưa vào hoạt động đúng tiến độ... Nói như thế nhưng nếu không kiên quyết thì khó thực hiện được, vì địa phương nào cũng có lý do cả, không địa phương nào chịu hi sinh quyền lợi của mình trước.
* Đó có phải là do thiếu các tiêu chí cắt giảm đầu tư công một cách rõ ràng không?
- Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ vào nhu cầu thực tế, thứ tự ưu tiên của mình để quyết định cắt cái nào, giảm cái gì, giãn tiến độ ra sao và điều chuyển vốn như thế nào. Các bộ, ngành, địa phương phải tự rà soát để cắt, giảm, điều chuyển hoặc tự xây dựng cho mình tiêu chí để thực hiện chứ không chờ Thủ tướng ban hành các tiêu chí rồi mới thực hiện, vì chỉ các bộ, ngành, địa phương mới nắm rõ nhu cầu và nguồn lực của mình.
Thực tế khi trình xin dự án, người trình hiểu hơn ai hết sự cần thiết của từng dự án. Một địa phương có 10 dự án, mặc dù nói cả 10 đều quan trọng nhưng trong đầu họ biết xếp thứ tự ưu tiên từ 1 đến 10. Vì thế, chắc chắn họ sẽ biết nên ưu tiên cái gì, cắt giảm cái nào. Nếu cắt giảm không đúng có thể sẽ lại gây ra lãng phí như các ví dụ tôi nói ở trên.
* Dư luận cho rằng để có một dự án, chủ đầu tư phải “vận động hành lang”, thậm chí phải “chạy” dự án. Do đó, việc cắt giảm các dự án bây giờ gặp nhiều khó khăn, vì đụng chạm đến quyền lợi của các chủ đầu tư?
- Tôi cho rằng các chủ đầu tư đều phải ứng một lượng lớn vốn để thi công các dự án. Nếu bây giờ dự án bị cắt giảm, chủ đầu tư không thể hoàn vốn nhanh, ảnh hưởng đến hoạt động của bản thân các công ty này. Đây là lý do chính khiến việc cắt giảm dự án gặp nhiều vấn đề khó xử, cần cân nhắc.
Còn dư luận về chuyện một số địa phương, một số ngành muốn xin dự án thì phải “vận động hành lang”, phải “chạy”, tôi cũng có nghe nói nhưng không có thông tin đầy đủ nên không dám khẳng định có hay không chuyện này.
Tuy nhiên, có một thực tế là nhu cầu triển khai dự án của các địa phương, các bộ ngành rất lớn, trong khi ngân sách trung ương lại rất hạn chế, các chỉ tiêu phân bổ vốn chưa rõ ràng. Do đó khó tránh khỏi sự cạnh tranh hay chạy đua để giành được dự án...
* Qua đợt rà soát cắt giảm các dự án sử dụng vốn đầu tư công, ông có ý kiến gì về tình trạng đầu tư tràn lan như hiện nay?
- Phần lớn các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước là đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng, bản thân dự án không tự sinh lời để trả nợ mà phải lấy từ ngân sách để trả nợ. Trong lúc ngân sách còn hạn hẹp thì khi chi trả nợ đầu tư lớn sẽ ảnh hưởng đến việc chi cho các nhiệm vụ khác, trong đó có an sinh xã hội, cải cách tiền lương, y tế, giáo dục... Đấy là chưa nói đến chuyện có những công trình lãng phí, kém hiệu quả.
Đi vay để đầu tư phát triển cũng là một giải pháp tất yếu nhưng phải tính toán hiệu quả đầu tư, khả năng trả nợ khi đến hạn. Kể cả khoản vay ODA với lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài nhưng cũng đến lúc phải trả nợ chứ, không chúng ta thì con cháu cũng phải trả nợ.
Đầu tư dàn trải mà không tính toán xem liệu kinh tế có thể phát triển tương ứng để đảm bảo có tiền trả nợ hay không thì sẽ vỡ nợ. Bài học khủng hoảng nợ công của Hi Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và kể cả Mỹ hiện nay là những bài học cho ta về vấn đề quản lý nợ công.
DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ