Đến năm 2010, thay vì ôm đống hồ sơ, giấy tờ đến xếp hàng ở Sở Xây dựng, người dân Hà Nội chỉ cần ngồi nhà, nhấp chuột trên máy tính có nối mạng Internet là có thể được cấp giấy phép xây dựng.
Phóng viên Báo An ninh Thủ đô có cuộc trao đổi với ông Đặng Kim Giao - Giám đốc Trung tâm thông tin (Bộ Xây dựng) xung quanh thông tin này.
* Thưa ông, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa ra thông tin Hà Nội sẽ cấp giấy phép xây dựng qua mạng vào năm 2010, liệu việc này có khả thi?
Ông Đặng Kim Giao: Chúng tôi đã theo đuổi kế hoạch này từ lâu. Dự kiến, trong giai đoạn 2009-2010, sẽ có 2 dịch vụ công thuộc phạm vi của Bộ Xây dựng là cấp phép xây dựng và cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng sẽ được thực hiện qua mạng Internet. Chúng tôi đã bàn với cơ quan chức năng để sửa đổi các văn bản pháp quy phục vụ cho công tác mới mẻ này.
Sau khi có quy trình mới, chúng tôi sẽ cải tiến phần mềm để triển khai cấp phép xây dựng qua mạng. Khi đó, người dân lên mạng khai báo, điền các thông tin cần thiết trên web, sau đó gửi tới cho cơ quan thụ lý. Đương nhiên, cơ quan cấp phép phải trả lời ngay cho người dân là đã nhập được hồ sơ hay chưa và hẹn ngày mang thêm một số giấy tờ liên quan không thể nộp qua mạng (như bản vẽ, thiết kế, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...).
Tôi nghĩ là năm 2010, Hà Nội sẽ làm được việc này. Phần mềm hiện nay đã có nhưng chưa online. Cái này là do hạ tầng công nghệ thông tin của các địa phương còn kém, chưa đáp ứng được yêu cầu.
* Liệu cán bộ thụ lý hồ sơ qua mạng có ổn không, thưa ông?
Cách đây 2 năm, chúng tôi đã thử nghiệm tại tỉnh Hải Dương và thành phố Đà Nẵng, song lúc đó chưa thành công vì bản thân địa phương cũng chưa thiết tha và chỉ muốn thực hiện theo quy trình cũ. Quan trọng hơn nữa là thái độ, tác phong trong công việc của cán bộ thụ lý hồ sơ ở địa phương.
Nhiều người tâm sự rằng, tôi làm công vụ phải hết sức mình, hoàn thành nhiệm vụ nhưng đồng lương như thế thì rất khó. Đây là vấn đề nhận thức. Phần mềm hiện đại đến mấy nhưng con người không chịu sử dụng thì cũng... vứt. Thế nên, về công nghệ hay quy trình thực hiện thì chúng tôi không lo mà lo ngại nhất là tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ.
* Ngành xây dựng đã bao giờ thực hiện các thủ tục hành chính trên mạng chưa, thưa ông?
Có khoảng 40 Sở Xây dựng địa phương đã dùng máy tính để cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng. Thống kê của Bộ Xây dựng cho biết, có tới 26.000 giấy đã được cấp như thế. Hiện nay, một số thủ tục cũng đã có mẫu đơn trên mạng Internet và người ta có thể in ra để điền thông tin chứ không phải chạy tới sở để lấy. Nếu nối mạng (online) được thì người có nhu cầu sẽ khai giấy tờ trên mạng song hạ tầng phải tốt mới làm được.
Muốn online tốt thì máy chủ của UBND tỉnh phải có và đủ mạnh để luôn sẵn sàng cho việc cài đặt phần mềm. Ngoài ra, phải có một địa chỉ dễ nhớ để người dân dễ tiếp cận. Hiện nay, đã có 15 sở xây dựng có website song hoạt động còn chưa tốt.
*Trường hợp người dân ở khu vực khó tiếp cận công nghệ thông tin hoặc không có mạng Internet thì làm thế nào, thưa ông?
Trong giai đoạn đầu, chúng ta phải tiến hành song song 2 hình thức: Cấp phép qua mạng và cấp phép trực tiếp. Điều này cũng giống như việc sử dụng thẻ ATM để trả lương hiện nay, ai thấy tiện lợi thì rút bằng máy rút tiền tự động, ai không thích có thể tới ngân hàng rút tiền trực tiếp.
Theo An Ninh Thủ Đô