* Quy hoạch một đằng, triển khai một nẻo
Ngày 9-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức lấy ý kiến của giới chuyên môn về 28 tiêu chí để “xây dựng TP.HCM theo hướng XHCN, văn minh, hiện đại đến năm 2020”.
Nhìn về 12 năm tới, TP.HCM đề ra mục tiêu "…phải vươn lên trở thành một TP có đẳng cấp quốc tế, có tính cạnh tranh cao, mà ở đó mức sống thể hiện qua chỉ tiêu thu nhập bình quân trên đầu người đạt mức trung bình của các quốc gia phát triển".
Theo đó, GDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD/năm vào năm 2020. Ông Trần Du Lịch - phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho biết đây là mức xấp xỉ với mức GDP đầu người ở Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2005. Ngoài ra, một số ý kiến băn khoăn mục tiêu phấn đấu được đặt ra quá cách biệt so với GDP bình quân đầu người hiện nay ở TP, mới đạt khoảng 2.500 USD/năm - mức rất thấp so với các đô thị phát triển khác.
TS Nguyễn Hữu Nguyên - Viện Nghiên cứu phát triển TP - cảnh báo các “siêu đô thị” có dân số từ 10 triệu người trở lên đều không tránh khỏi sự quá tải về hàng loạt vấn đề xã hội và kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cụ thể: kiểm soát tệ nạn xã hội, ùn tắc giao thông, nhà ở, môi trường...
Cũng theo ông, “khái niệm văn minh hiện đại” không còn đồng nghĩa với đông dân, mà TP của nền kinh tế tri thức cần chất lượng dân số hơn là số lượng. “Như vậy, TP.HCM có nên trở thành đô thị với dân số đông như vậy không?” - TS Nguyên đặt vấn đề. TS Nguyên nhấn mạnh muốn xây dựng triết lý phát triển cho TP.HCM không thể dựa vào cảm tính hay ước mơ mà phải từ kết quả của sự nghiên cứu khoa học trên những yếu tố cơ bản như địa kinh tế, nguồn nhân lực, sắc thái văn hóa - xã hội, đặc trưng của môi trường sinh thái...
Ông Nguyễn Trí Dũng - Việt kiều Nhật - lưu ý nếu chỉ có TP.HCM phát triển thì là nơi di dân của các nơi khác. Do vậy theo ông, các TP lân cận cần được chú ý đầu tư và cùng phát triển.
* Cùng ngày, tại hội thảo quốc tế “Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á” diễn ra tại TP.HCM, giáo sư McGee (Canada) cho rằng hầu hết chính sách về đại đô thị của các nước Đông Nam Á dường như không bao gồm phần ngoại vi mà chỉ chú trọng vùng trung tâm.
Giáo sư McGee cảnh báo vùng ven đô thị ở các nước Đông Nam Á đều nằm trong khu vực dễ bị tổn thương về môi trường và suy thoái nhanh đã đặt ra thách thức cho chính sách phát triển bền vững của các đại đô thị. Hiện vùng ven chưa được xem là một phần của tổng thể phát triển đô thị nên cần thay đổi cơ chế liên quan đến không gian vùng ven và có lộ trình phát triển phương tiện công cộng cho tương lai.
Tiến sĩ Võ Kim Cương - chủ nhiệm chương trình nghiên cứu khoa học về quản lý đô thị TP.HCM - cho biết đô thị hóa tràn lan ở TP làm đồng ruộng bị xé lẻ khiến nông dân không sản xuất được. Ông Cương nêu các tồn tại: TP phát triển lan tỏa theo các trục giao thông mà không theo một ý tưởng quy hoạch chung; công tác quy hoạch không theo kịp tốc độ phát triển đã dẫn đến tình trạng xây dựng trái phép tràn lan; quy hoạch một đằng nhưng triển khai một nẻo như quy hoạch TP theo hướng đa trung tâm nhưng hiện TP là đô thị lớn một trung tâm, quy hoạch một số đường vành đai nhưng không thực hiện được... “Nếu không có biện pháp mạnh mẽ sẽ rất khó khăn cho phát triển bền vững của TP” - tiến sĩ Võ Kim Cương cảnh báo.
Tiến sĩ Nguyễn Thế Cường - Đại học Kiến trúc TP.HCM - cho biết quá trình đô thị hóa đã đẩy ô nhiễm từ nội thành ra vùng ven do nhiều khu công nghiệp ở đây “không có khu xử lý chất thải tử tế”, trong khi chính sách ô nhiễm môi trường có đầy đủ nhưng khâu thực thi pháp luật lại kém. Giáo sư Đào Thế Tuấn - chủ tịch Hiệp hội Phát triển nông thôn VN - cũng cho rằng đô thị hóa tự phát sẽ phải trả giá đắt vì ô nhiễm. Nguyên nhân của tình trạng này là do thiết kế đô thị không đi đôi với thiết kế nông thôn.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO